Tập huấn phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS
Trong những năm qua, sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hằng năm tăng lên, song số doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là lao động thủ công bán cơ giới nên năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo việc làm cho người lao động, số lao động ký hợp đồng thời vụ còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc chấp hành pháp luật lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động ở một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm, có nơi chủ doanh nghiệp còn tìm lý do để trì hoãn, tránh né việc thành lập tổ chức Công đoàn (CĐ) tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận công nhân lao động hiểu biết về pháp luật lao động còn hạn chế, trình độ chuyên môn, tay nghề còn thấp, ý thức chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp chưa nghiêm túc, tác phong công nghiệp trong lao động, sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Xác định được những khó khăn, thách thức đó, cùng với việc thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ V, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khoá V) đã xây dựng "Chương trình Phát triển đoàn viên công đoàn giai đoạn 2013-2018" với mục tiêu "Tập hợp đông đảo CNVCLĐ vào tổ chức CĐ. Tập trung phát triển đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và công đoàn cơ sở (CĐCS) ở khu vực ngoài nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; từng bước nâng cao chất lượng đoàn viên, quản lý đoàn viên, gắn với việc thành lập CĐCS-NĐ và củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS-NĐ; Nâng cao nhận thức của cán bộ, ĐVCĐ, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS-NĐ; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ, thực hiện tốt quyền dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2017 phát triển mới 27.000 ĐVCĐ; thành lập mới 270 CĐCS-NĐ.
Để công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp đạt được kết quả tốt, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tổ chức hoạt động. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp cho các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để các đơn vị phấn đấu thực hiện, trong đó chỉ đạo tích cực phát triển đoàn viên theo phương pháp mới (Điều 17 Điều lệ CĐ Việt Nam).
 |
Ban chấp hành CĐCS Cty TNHH TM DVDL Nguyễn Hà ra mắt hội nghị
|
Căn cứ chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao hằng năm, các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động tổ chức các đợt khảo sát, nắm tình hình lao động, việc làm ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp, đồng thời chú trọng củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở đơn vị mình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo để thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhằm tập hợp, thu hút đông đảo CNLĐ gia nhập tổ chức CĐ, tích cực và kiên trì tuyên truyền, vận động đối với NSDLĐ ở các doanh nghiệp thấy được lợi ích và sự cần thiết phải thành lập CĐCS và trách nhiệm trong việc tạo điều kiện để thành lập CĐCS tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động; hướng dẫn, tư vấn cho người lao động và NSDLĐ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động CĐ. Kết quả, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp mới 62.017 đoàn viên, thành lập 316 CĐCS; số đoàn viên tăng thực tế 31.118 đoàn viên đạt 115,25% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội V CĐ tỉnh (27.000) và đạt 84% so với chỉ tiêu giao của Tổng Liên đoàn theo Quyết định số 253/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 (37.000), trong đó có 30 CĐCS thành lập theo Điều 17 Điều lệ CĐ Việt Nam, kết nạp 3.570 đoàn viên/4.017 CNVCLĐ. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 651 CĐCS khu vực ngoài nhà nước (chiếm 44% so với tổng số 1.478 CĐCS-NĐ); 83.843 đoàn viên (chiếm 68% so với tổng số 123.400 đoàn viên); tỷ lệ đoàn viên đạt 89,53% so với tổng số 73.958 CNLĐ trong các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức CĐ.
Thực tế cho thấy, muốn làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức CĐ trong các doanh nghiệp, trước hết phải nắm chắc được tình hình lao động, việc làm và dự báo được tình hình phát triển CNLĐ trong các doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức CĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Mặt khác, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật quy định về việc thành lập tổ chức CĐ tại các doanh nghiệp; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động CNLĐ vào tổ chức CĐ; linh hoạt trong khâu tổ chức tuyên truyền vận động, nhất là đối với những doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng, CNLĐ làm việc phân tán ở nhiều nơi, đồng thời phải chú trọng tuyên truyền, vận động cả NSDLĐ để họ nhận thức được đầy đủ quy định của pháp luật về thành lập tổ chức CĐ trong các doanh nghiệp, thấy được lợi ích và sự cần thiết phải thành lập CĐCS. Nội dung tuyên truyền cần được lựa chọn ngắn gọn, đảm bảo cung cấp đủ các thông tin cần thiết để người lao động và NSDLĐ dễ hiểu và tiếp nhận thông tin. Trong quá trình tuyên truyền cần làm rõ về vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức CĐ, về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia vào công đoàn để CNLĐ hiểu và tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ. Các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là các quy định về thành lập tổ chức CĐ và việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp; kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, khuyến khích, động viên kịp thời đối với những doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và tổ chức CĐ hoạt động đạt kết quả tốt.
Văn Vũ