Những số liệu, sự kiện liên quan đến nạn bạo hành và xâm hại trẻ em được các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật đã làm nhiều người cảm thấy lo lắng, bất an. Nhưng thực tế lại cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau mà có rất nhiều phụ huynh còn lơ là trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng… để biết biểu hiện của các hành vi có liên quan đến bạo hành hay xâm hại, hiểu để phòng chống và hướng dẫn con trẻ phòng ngừa. Đã có nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thời gian dài mà cha mẹ không biết cho đến khi sự việc được phát hiện thì hậu quả để lại cho nạn nhân và gia đình thì vô cùng khủng khiếp, kéo dài khó có thể khắc phục. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và các nghiên cứu thì hầu hết phụ huynh có tâm lý chỉ cảnh giác với người lạ nhưng thực tế lại cho thấy đa số thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra được phát hiện lại là người thân quen với trẻ em.
Nhiều chuyên gia về công tác xã hội, giáo dục và người dân cho rằng, để phòng, chống nạn bạo hành và xâm hại trẻ em hiệu quả, rất cần có sự tham gia tích cực của chính những người lớn- người thân trong gia đình; cũng như, mỗi người cần có sự thay đổi văn hoá ứng xử trong giao tiếp với trẻ em, kiến thức và kỹ năng giáo dục giới tính cho trẻ…. Nhằm trang bị thêm kiến thức, chia sẻ biện pháp hữu ích để mỗi CNVCLĐ có ứng xử phù hợp trẻ em; kịp thời tự điều chỉnh hành vi ứng xử với trẻ phù hợp hay có thể tham gia các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em; hướng dẫn người thân, đặc biệt là trẻ em cảnh giác, có cách thức phản ứng kịp thời để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi xâm hại của người khác. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn quan tâm phối hợp với các ngành, địa phương chung tay chăm lo và bảo vệ trẻ em bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực; đồng thời, tổ chức 05 lớp tuyên truyền phòng chống bạo hành và xâm hại trẻ em cho gần 500 công nhân lao động tại các địa bàn, doanh nghiệp.
 |
Tham gia hoạt động tuyên truyền, CNVCLĐ đã cùng nhau chia sẻ thông tin, tập trung trao đổi và thảo luận các nội dung liên quan đến đối tượng, hành vi…bạo hành, xâm hại trẻ em; cách nói với trẻ những điều cần làm để tự vệ, phòng tránh bị xâm hại; kỹ năng tìm hiểu rõ sự việc và có cách để trẻ có thể cùng cha mẹ vượt qua khó khăn nếu chẳng may trẻ bị xâm hại tình dục thay vì trách mắng bởi việc trẻ bị xâm hại tình dục thường không phải là do lỗi của trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng… cha mẹ cần dành nhiều thời gian và sự quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để biết được những thay đổi của trẻ mà có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trước khi xảy ra những sự việc đáng tiếc là những nội dung quan trọng mà LĐLĐ tỉnh muốn chuyển đến CNLĐ. Qua các hoạt động tuyên truyền, mỗi CNVCLĐ có thêm kiến thức để tự điều chỉnh hành vi ứng xử với trẻ phù hợp hay có thể tham gia các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em.
Tại các buổi tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh cũng đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em tại các địa bàn thuộc tỉnh BR-VT, đồng thời giới thiệu đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - Phím số diệu kỳ 18001567 và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111đến CNLĐ.