bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bảo đảm vị thế của Công đoàn Việt Nam

Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia

Chiều 3-6, Quốc hội (QH) đã nghe ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – trình bày Tờ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tập hợp, bảo vệ người yếu thế

Theo tờ trình, dự án luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức Công đoàn.

Dự án luật được xây dựng phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) và tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp (DN) tham gia Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính Công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta…

Theo ông Nguyễn Đình Khang, dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của NLĐ tại DN” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí Công đoàn với tổ chức này.

Dự thảo luật cũng sẽ trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng thời cho phép “Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.

Về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, dự thảo luật đã sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động 2019 và vai trò là tổ chức chính trị – xã hội theo Điều 10 Hiến pháp 2013.

Về bảo đảm thời gian hoạt động Công đoàn cho cán bộ Công đoàn hoạt động không chuyên trách, dự thảo luật sửa đổi quy định theo hướng quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ Công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên Công đoàn, bảo đảm tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ Luật Lao động 2019, không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành, bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013.

Dự thảo luật cũng bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức NLĐ tại DN; đề xuất 2 phương án phân chia kinh phí Công đoàn cho các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Bảo đảm vị thế của Công đoàn Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hùng (đứng giữa), Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (quận Tân Bình, TP HCM), luôn gần gũi với đoàn viên – lao động. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Tạo điều kiện tốt nhất cho Công đoàn hoạt động

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của QH, ý kiến góp ý của một số đoàn đại biểu QH tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tuy nhiên, các quy định của dự án luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị thời gian tới, trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò Công đoàn Việt Nam, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa NLĐ gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

Ủy ban Xã hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án luật và thấy rằng còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: Xây dựng mô hình tổ chức CĐ theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam tại Điều 1. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam cần quy định theo hướng phân chia thành hai nhóm quy phạm theo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo đúng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đó là Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội và Công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn, khoản 2 Điều 27 dự thảo luật quy định thời giờ làm việc trong 1 tháng đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách để làm công tác Công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương đang đề xuất 2 phương án: Phương án 1 giữ như luật hiện hành, quy định “cứng” là 12 giờ cho mỗi cán bộ Công đoàn. Phương án 2 quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ Công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên Công đoàn.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thêm, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo luật như: Làm rõ khái niệm “tài sản Công đoàn” và mối quan hệ giữa “tài sản Công đoàn” với “tài sản công” trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cụ thể hóa trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ…

Nguồn VĂN DUẨN – HUY THANH, Báo Người Lao động


Bài viết liên quan