bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Biên chế công đoàn hiện chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị – xã hội khác

Nhiệm vụ của công đoàn đặc thù và ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị – xã hội khác.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn theo các quy định hiện nay của Đảng và các quy định pháp luật đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

Cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức Công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn.

Biên chế công đoàn hiện chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị - xã hội khác
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hà Quân

Việc phân bổ biên chế do cấp ủy địa phương quyết định trong khi đảm bảo nguồn tài chính lại do công đoàn cấp trên, dẫn tới thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nhân lực và nguồn lực đảm bảo; không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi cả nước cũng như trong phạm vi của tỉnh, thành phố.

“Biên chế ít, lại thêm việc phân công về các tỉnh, thành ủy theo nguyên tắc số lượng đảng viên và dân số – tức là nơi nào đông dân, đông đảng viên thì nơi đó sẽ có nhiều biên chế. Nhưng nơi đông dân không có nghĩa là nơi ấy đông công nhân. Dẫn đến việc nơi có rất nhiều công nhân nhưng biên chế lại ít”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu thực trạng.

“Lần này Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất khi phân bổ biên chế về thì tham khảo, thống nhất ý kiến với Tổng Liên đoàn, thậm chí chúng tôi mới là người đánh giá địa bàn nào cần thêm biên chế công đoàn”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn đặc thù và ngày càng nặng nề, nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị – xã hội khác.

Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, tính đến 31/3/2024, tổng số biên chế cấp ủy địa phương giao cho 04 tổ chức chính trị – xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là 62.141 biên chế, trong đó: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 16.116 biên chế; Hội Nông dân: 14.436 biên chế; Hội Liên Hiệp Phụ nữ: 15.509 biên chế; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: 16.080 biên chế. Trong khi đó, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy giao năm 2024 là 5.119 biên chế.

Cán bộ công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp do họ là người lao động, nhận lương từ doanh nghiệp. Đây là thực tế khó khăn của cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Tại công đoàn cơ sở hiện nay đang vì không có cán bộ công đoàn chuyên trách nên chúng ta phải chấp nhận ông chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn. Ông ấy tuyển về, lại còn trả lương, cho nên để anh em nói tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt quả là khó”.

Do vậy, Tổng Liên đoàn đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương. Đối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.

Việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương đảm bảo tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn.

Phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn tài chính đảm bảo chi hành chính và chi cho hoạt động phong trào của các cấp công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn.

Ngoài ra, việc trao quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong cơ quan chuyên trách và công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Vấn đề biên chế công đoàn từng nhận được ý kiến thảo luận. Trong Hội thảo về phát triển đội ngũ lãnh đạo trưởng thành từ công nhân, công đoàn mới đây, đồng chí Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành, ngành mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng cho rằng cách giao biên chế cho tổ chức Công đoàn hiện chưa phù hợp với sự phát triển của tổ chức, gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các cấp công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 07/6/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Hiện nay, dự án Luật Công đoàn đã được trình Quốc hội để xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012; với một số vấn đề cơ bản sau:

– Đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ.

– Kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành.

– Tăng quyền chủ động giám sát của Công đoàn Việt Nam.

– Bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách.

– Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Nguồn: Minh Khôi (Tạp chí Lao động và Công đoàn)


Bài viết liên quan