bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật tác chiến phòng không

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật tác chiến phòng không.

Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định đánh bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố hợp thành. Trong đó nghệ thuật tác chiến Phòng không đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật sử dụng phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo từng bước xây dựng lực lượng phòng không, nhất là chuẩn bị lực lượng phòng không tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của Bộ đội Phòng không trong chiến dịch là bảo vệ đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành, khống chế không phận, triệt đường tiếp tế, tăng viện đường không, bảo vệ giao thông vận chuyển.

Lực lượng phòng không tham gia chiến dịch lớn hơn hẳn so với các chiến dịch trước đó gồm: 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm (Trung đoàn pháo cao xạ 367), 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Đây là lần đầu tiên ta sử dụng đến cấp trung đoàn phòng không, hơn thế nữa là loại vũ khí mới, có uy lực sát thương mạnh hơn.

 

Pháo cao xạ 37mm của quân ta lần đầu tiên xuất trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho quân Pháp hết sức bất ngờ, bối rối và bị thiệt hại đáng kể. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Pháo cao xạ 37mm của quân ta lần đầu tiên xuất trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho quân Pháp hết sức bất ngờ, bối rối và bị thiệt hại đáng kể. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Ban chỉ huy Trung đoàn 367, ngoài việc trực tiếp chỉ huy các tiểu đoàn Pháo cao xạ của mình chiến đấu, Trung đoàn còn làm tham mưu cho Bộ chỉ huy Chiến dịch về phương án sử dụng lực lượng, bố trí đội hình phòng không và giúp các tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm trực thuộc các đại đoàn bộ binh phân chia hỏa lực, chuyển hóa thế trận, yểm trợ cho pháo binh và bộ binh chiến đấu tùy theo các tình huống khác nhau trong từng đợt của Chiến dịch.

Mặc dù có những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng Trung đoàn đã quán triệt sâu sắc quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng thành công thế trận tác chiến phòng không chiến dịch, vừa tích cực tiêu diệt, không chế máy bay địch, yểm hộ cho bộ đội hợp thành đánh thắng, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ hậu phương chiến dịch và bảo vệ giao thông vận chuyển cho chiến trường.

Trong 55 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác. Những chiến công xuất sắc của Trung đoàn trong đội hình chiến dịch binh chủng hợp thành và mặt trận bảo vệ hậu phương chiến dịch, bảo vệ giao thông vận chuyển đã tích cực góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Có thể nói, với sự ra đời của lực lượng phòng không và phát triển tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận đất đối không đã hình thành, Bộ đội phòng không Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng cả về lực lượng, bản lĩnh chính trị, cơ cấu tổ chức và trình độ tác chiến.

Sự hình thành và phát triển nghệ thuật tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh, phòng không theo các nhiệm vụ mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã xác định quyết tâm trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bước chuyển dịch quan trọng của nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không trong chiến dịch của Quân đội ta.

Bộ đội phòng không đã hoàn thành nhiệm vụ làm lực lượng nòng cốt, cùng toàn dân, toàn quân đánh thắng không quân Pháp có sự viện trợ của Mỹ. Đây là chiến công to lớn có ý nghĩa chiến lược của lực lượng phòng không tham gia chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải đầu hàng và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật tác chiến phòng không đó là:

Thứ nhất, giữ bí mật tuyệt đối và tạo bất ngờ cho địch: Trong suốt quá trình hành quân, trú quân, chuẩn bị chiến dịch, đặc biệt trong việc tổ chức hành quân kéo pháo và triển khai tại các trận địa, chúng ta đã áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho sự xuất hiện một loại lực lượng mới, tại chiến dịch.

Với sự xuất hiện bất ngờ của Pháo cao xạ, chúng ta đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến dịch của bộ chỉ huy địch, làm cho phi công địch từ chỗ hết sức chủ quan chuyển sang hoang mang lo sợ, buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh về kỹ thuật, chiến thuật mà không phải một lúc chúng có thể làm ngay được.

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, các đơn vị phòng không vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, kết hợp giữa xây dựng trận địa hợp lý, vững chắc với sáng tạo cách đánh, giữa cơ động, phục kích và bám trụ, phát huy cao độ tính năng của vũ khí và hỏa lực tập trung, có lúc phải cải tạo địa hình, kéo pháo bằng tay, đưa pháo lên cao, ra giữa cánh đồng trống trải hay cơ động vào gần cứ điểm của địch để đánh địch. Không chỉ đánh địch ban đêm mà còn chủ động tiến công địch cả ban ngày, không chỉ tác chiến ở địa hình rừng núi mà còn đánh địch liên tục dài ngày ở cả địa hình trống trải, tạo điều kiện cho pháo binh, bộ binh và các lực lượng khác cùng chiến đấu, đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp vùng trời và cắt đứt tiếp tế đường không của địch, dập tắt tia hy vọng cuối cùng của địch về mối liên hệ tiếp tế và tăng viện của hậu phương cho Điện Biên Phủ bằng đường không, làm cho tập đoàn cứ điểm của địch hoàn toàn bị cô lập, mang lại hiệu quả chiến dịch to lớn, tác động sâu sắc tới sự thất bại hoàn toàn của cả tập đoàn cứ điểm vào chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Thứ 2, sử dụng lực lượng tập trung cho hướng chủ yếu, trận đánh then chốt và thời cơ quan trọng nhằm tạo ra hỏa lực phòng không mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh.

Bộ đội Phòng không đã bám sát bộ binh, đưa trận địa pháo cao xạ vào sát cứ điểm của địch. Đồng thời, yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công cứ điểm trong tầm bắn hiệu quả nhất. Ngay từ ngày đầu và trong suốt cả ba đợt chiến đấu, bộ đội phòng không đã lấy việc bảo vệ và yểm trợ cho bộ binh, pháo binh làm nhiệm vụ trung tâm của mình

Đề bảo vệ tốt bộ đội hợp thành chiến đấu, Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu, cho các trận đánh then chốt và các thời cơ quan trọng nhằm tạo ra sức mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh.

Trong đợt một của chiến dịch, trong trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam, cả 2 tiểu đoàn pháo cao xạ trong địa bàn chiến dịch đều được bố trí tập trung ở các khu vực có thể chi viện cho đội hình bộ binh tiến công và đồng thời chi viện cho nhau. Sau trận mở màn chiến dịch thắng lợi ta nhanh chóng di chuyền trận địa theo sát bộ binh, yểm trợ cho các Đại đoàn 312, 308 đánh cụm cứ điểm Độc lâp, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm bản kéo.

Đợt 1, lực lượng phòng không của ta đã đánh trả quyết liệt hạ 5 máy bay địch và trụ vững vảo vệ mục tiêu được giao. Với cách đánh sáng tạo và táo bạo, Bộ đội Phòng không đã bám sát bộ binh, đưa trận địa Pháo cao xạ vào sát cứ điểm của địch, đã yểm hộ cho bộ binh tiến công trong tầm bắn hiệu quả nhất. Với cách đánh gần, táo bạo mang lại hiệu quả chiến đấu cao và trở thành cách đánh phổ biến, truyền thống của Bộ đội Phòng không Việt Nam.

Thứ 3, sử dụng lực lượng và cách đánh thích hợp bảo vệ giao thông chiến dịch: Địa bàn Điện Biên Phủ không chỉ khó khăn cho địch về tiếp tế, tiếp viện mà cả với ta cũng ở xa hậu phương, xa các căn cứ, đường vận tải ít và xấu, khả năng hậu cần tại chỗ rất mỏng, mọi nhu cầu nhân lực, vật lực cho tác chiến quy mô lớn đều phải huy động từ xa đến, cho nên công tác đảm bảo cho chiến dịch rất khó khăn.

Trên cơ sở đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và khả năng của ta, Bộ chỉ huy chiến dịch đã nghiên cứu, bố trí sử dụng lực lượng phòng không phù hợp, tạo lập được thế trận bảo vệ giao thông Chiến dịch từ hậu phương đến trung tuyến, hỏa tuyến, kết hợp giữa cơ động và bám trụ, cho nên đã bảo vệ được giao thông chiến dịch liên tục thông suốt.

Đồng thời, về mặt chiến thuật, các đơn vị phòng không của ta đã lợi dụng địa hình rừng núi, ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy; xây dựng trận địa và hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, bảo đảm cho Bộ đội Phòng không có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, Bộ đội Phòng không thường xuyên cơ động đội hình chiến đấu phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế bí mật, bất ngờ đánh địch mà địch không đánh trúng trận địa của ta.

Thứ 4, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật: Luôn chủ động nghiên cứu, tìm ra cách đánh hợp lý và linh hoạt vận dụng các hình thức chiến thuật đánh địch có hiệu quả, tìm mọi biện pháp cơ động bám sát đội hình bộ binh chiến đấu, thực hiện đánh địch trên không, sẵn sàng đánh địch mặt đất chi viện cho bộ binh vây hãm, tiến công địch thắng lợi. Đã kết hợp linh hoạt giữa sử dụng hỏa lực tập trung và hỏa lực phân tán phù hợp với tình huống đánh địch cụ thể trên từng đường bay.

Thứ 5, khống chế và thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện đường không của địch: Ngay từ đầu chiến dịch, Bộ đội Phòng không đã triển khai ở nhiều hướng và bắt đầu thế bao vây vùng trời Điện Biên Phủ. Đồng thời, để khoét sâu thêm chỗ yếu của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã đưa các đại đội súng máy phòng không 12,7mm của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và các tiểu đoàn phòng không thuộc các đại đoàn bộ binh cơ động xuống cánh đồng Mường Thanh, tiến gần các cứ điểm của địch nhằm thu hẹp khu vực thả dù tiếp tế, buộc máy bay địch phải nâng độ cao, bay đêm làm cho quân địch mặc dù còn đông nhưng tinh thần suy sụp nghiêm trọng, nên việc thả dù không chính xác, tạo điều kiện cho bộ đội ta đoạt dù của chúng và tiến hành tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn.

Hình ảnh mô phỏng bộ đội ta kéo pháo cao xạ 37mm vào mặt trận Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thứ 6, củng cố và duy trì sức chiến đấu thường xuyên, liên tục: Để thực hiện nhiệm vụ tác chiến có hiệu quả trong suốt quá trình chiến dịch, Bộ đội Phòng không đã thường xuyên củng cố và duy trì sức chiến đấu liên tục bằng các hình thức, biện pháp khác nhau như: Lợi dụng địa hình rừng núi, ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy tránh địch oanh tạc để bảo toàn lực lượng. Xây dựng hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, đảm bảo cho bộ đội có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm.

Khắc phục mọi khó khăn, vận động nhanh cùng bộ binh tiếp cận địch để hạn chế khả năng đánh phá của không quân và pháo binh địch. Thường xuyên chủ động cơ động đội hình phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch mà địch không đánh trúng trận địa của ta. Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, khẩn trương, luôn phát huy vai trò công tác đảng, công tác chính trị, kết hợp với bảo đảm tốt đời sống sinh hoạt hàng ngày cho bộ đội, trong những giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất.

Nghệ thuật sử dụng phòng không trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp đã góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và làm cơ sở cho sự phát triển của nó trong những chặng đường lịch sử của cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Ngày nay, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; các quốc gia có tiềm lực về khoa học, kinh tế, quân sự đã và đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tập trung đầu tư phát triển các loại phương tiện, vũ khí tiên tiến, công nghệ cao; đồng thời, tổ chức lại lực lượng theo hướng tinh, gọn, đa năng, hiệu quả. Theo đó, các phương thức tác chiến mới, nhất là hoạt động tác chiến đường không ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô sử dụng lực lượng, mức độ hiện đại của các loại vũ khí, trang bị cùng với phương pháp, thủ đoạn tác chiến đa dạng, phức tạp.

Là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, để hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Kế thừa và phát triển những kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Phòng không – Không quân, cần quán triệt, triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, củng cố sức mạnh và niềm tin chiến thắng của Bộ đội Phòng không – Không quân, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược cho bộ đội trong mọi tình huống.

Hai là, thường xuyên theo dõi, chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng thế trận phòng không nhân dân, không quân toàn quân trong thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc; về phương án, đối sách sử dụng lực lượng Phòng không, Không quân tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là chủ quyền biên giới, biển, đảo, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống tác chiến phòng không, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống.

Ba là, tiếp tục kế thừa, phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến phòng không và những bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; gắn nghiên cứu lý luận với tiếp thu những kiến thức mới trong các cuộc chiến tranh trên thế giới những năm gần đây để xây dựng và phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân lên tầm cao mới phù hợp với quy mô, loại hình tác chiến và hình thái chiến tranh trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Bốn là, triển khai thực hiện hiệu quả điều chỉnh tổ chức, biên chế các lực lượng Phòng không, Không quân, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân chủng tinh, gọn, mạnh, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm là, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục – đào tạo, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến; phối hợp chặt chẽ với các quân chủng, binh chủng tăng cường huấn luyện diễn tập, hội thi, hội thao, bắn, ném bom, đạn thật cho các lực lượng; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng tác chiến và tham gia diễn tập do Bộ Quốc phòng và các đơn vị tổ chức sát với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, tổ chức, biên chế, khả năng đảm bảo vũ khí, trang bị, cách đánh của Bộ đội Phòng không – Không quân và thực tế đấu của Quân đội ta trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Sáu là, duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chế độ và làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Phòng không – Không quân trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sửa chữa, cải tiến, thiết kế, chế tạo, sản xuất một số loại vũ khí, trang bị mới, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí, trang bị, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân chủng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kế thừa những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân nguyện tiếp tục phát huy truyền thống Quân chủng anh hùng, “Người chiến sĩ Phòng không – Không quân ưu tú”, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ nhận thức, ý chí quyết tâm chiến đấu, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc; xử lý kịp thời, chính xác các tình huống, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền-Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân


Bài viết liên quan