bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM: Quyết tâm chính trị thể hiện sinh động qua những mục tiêu đúng, trúng trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng tổ chức Công đoàn; chăm lo, bảo vệ tốt cho đoàn viên, người lao động (NLĐ); xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh là 3 nhiệm vụ trọng tâm mà tổ chức Công đoàn Việt Nam đặt ra trong nhiệm kỳ XIII (2023-2028).

Quyết tâm chính trị thể hiện sinh động qua những mục tiêu đúng, trúng trong tình hình mới
Túi An sinh Công đoàn trong đại dịch COVID-19 đã giúp nhiều gia đình công nhân lao động vượt qua khó khăn. Ảnh: Hải Nguyễn

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (Dự thảo trình ĐH XIII) với tiêu đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện; Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã kế thừa, phát huy tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm kỳ 2018-2023 đặt ra. Trong đó, trọng tâm vẫn là những nhiệm vụ sống còn, xương sống của tổ chức Công đoàn Việt Nam: Nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng tổ chức Công đoàn; chăm lo, bảo vệ tốt cho đoàn viên, NLĐ; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn là từ nền tảng vững mạnh của tổ chức chăm lo cho công nhân, NLĐ ngày càng thực chất hơn, góp phần xây dựng, định hình giai cấp công nhân đáp ứng được yêu cầu mới, của thời đại mới.

Quá trình hội nhập sâu, rộng; sự phát triển song hành cùng những thách thức trong giai đoạn hiện nay đặt tổ chức Công đoàn vào những thời cơ và thử thách chưa từng có. Thời cơ là cơ hội để tổ chức của giai cấp công nhân, vì giai cấp công nhân chứng minh được vai trò đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử. Thách thức là nguy cơ sẽ mất vị thế độc tôn một tổ chức Công đoàn đại diện cho tập thể NLĐ.

Dự thảo trình ĐH XIII công bố nhiều con số đáng chú ý: Trong 5 năm, Chương trình “Tết Sum vầy” có hơn 27 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền hơn 26.000 tỉ đồng; Chương trình Mái ấm Công đoàn giúp hơn 9.200 NLĐ được xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ gần 490 tỉ đồng; kết nạp mới hơn 4,4 triệu đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ); thành lập 24.320 CĐCS; tính đến tháng 6.2023, cả nước có 11.072.214 ĐVCĐ và 123.129 CĐCS (tăng hơn 1,02 triệu đoàn viên và giảm 3.000 CĐCS so với đầu nhiệm kỳ)…

Như vậy, việc xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng tổ chức Công đoàn; chăm lo, bảo vệ tốt cho đoàn viên, NLĐ; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh cho thấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên thương hiệu của tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ vẫn là nhiệm vụ bao trùm trong nhiệm kỳ mới.

3 khâu đột phá và kỳ vọng…

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam dự kiến sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá: (1) Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. (2) Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. (3) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Có thể thấy, 3 khâu đột phá đều bám sát những vấn đề “nóng” nhất, thời sự nhất của tổ chức Công đoàn hiện nay. “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động” là khâu đột phá đầu tiên, cho thấy tổ chức Công đoàn coi trọng việc đàm phán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ là nhiệm vụ số 1, nhiệm vụ sống còn. Khi thể hiện được vai trò trong đàm phán, đảm bảo chế độ, tổ chức Công đoàn sẽ thu phục, thu hút đông đảo đoàn viên tin yêu, tham gia tổ chức.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước ngày càng tăng về số lượng, thu hút đông đảo công nhân, lao động vào làm việc. Việc tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS trong khối doanh nghiệp này sẽ là khâu đột phá để tổ chức Công đoàn Việt Nam thể hiện nỗ lực chăm lo NLĐ, đây cũng là “cánh tay nối dài” của tổ chức trong mọi loại hình doanh nghiệp, phù hợp điều kiện thực tế. Khi tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ – thể hiện đầy đủ, sinh động, sâu sắc vai trò của tổ chức Công đoàn. Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục được đảm nhận sứ mạng là tổ chức chính trị – xã hội của NLĐ, vì NLĐ.

Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn và vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, sự tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động. Nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng liên quan đến công nhân, công đoàn được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nhờ đó, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình, nỗ lực hoàn thành và vượt 10/14 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra.

5 năm qua, tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo… Đặc biệt, đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Trong 5 năm, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng. Đặc biệt, chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân, Diễn đàn Người lao động do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với đoàn viên, NLĐ… tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và Công đoàn.

NGÔ THỊ LÊ PHƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)


Bài viết liên quan