bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Giữ vững nguyên tắc “Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”

Từ ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc tối quan trọng trong xây dựng Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, nguyên tắc tập trung dân chủ có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cũng có thể nhìn nhận, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, vừa là một nội dung, một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, phải hiểu và làm đúng, đầy đủ toàn diện nguyên tắc này là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mọi cấp ủy đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội (1959), Người dặn dò về vấn đề nhà ở của nhân dân lao động.
Thực hiện nguyên tắc này, các công việc của Đảng đều phải được bàn bạc tập thể trong cấp ủy, trong chi bộ ở từng cấp, nhằm phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng. Mỗi lĩnh vực công tác do một cấp ủy viên phụ trách chỉ đạo, tham mưu, đề xuất với tập thể cấp ủy cho ý kiến, từ đó trở thành chủ trương của Đảng mới triển khai thực hiện. Nếu cấp ủy viên, thậm chí cả ủy viên ban thường vụ hay thường trực cấp ủy, tự tiện đưa ra chủ trương mà không được thảo luận trong tập thể là vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Mặt khác, mỗi cá nhân phải làm tốt trách nhiệm được phân công để lĩnh vực họ phụ trách được tốt, nên vai trò cá nhân phụ trách cũng vô cùng quan trọng sau khi có nghị quyết về lĩnh vực họ phụ trách. Đồng thời mỗi cá nhân phải báo cáo kết quả công tác lĩnh vực mình phụ trách cho tập thể để mọi người tham gia ý kiến góp trí tuệ cho mình. Đây cũng là thực hiện tập thể lãnh đạo.
Không ít trường hợp do không tuân thủ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo nên cán bộ phụ trách mắc phải sai phạm, bị kỷ luật, bị truy tố do những sai phạm trong quá trình công tác, điều hành. Đó là biểu hiện vượt quyền, lộng quyền, khi vai trò cá nhân lấn át vai trò tập thể hoặc không tuân thủ ý kiến của tập thể. Cũng có trường hợp, cá nhân phụ trách nhưng không thể hiện đúng và đầy đủ vai trò của mình, để cho một số ý kiến không đúng trở thành chủ trương của cấp ủy hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm. Như vậy, vai trò cá nhân phụ trách phải nằm trong khuôn khổ, không được vượt quá phạm vi của mình, mà cũng không thể để ngoài tầm kiểm soát của mình.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng thấy có trường hợp việc thành công thì thành tích là của cá nhân, còn sai sót, thất bại lại đổ trách nhiệm tập thể. Điều này là do trách nhiệm cá nhân không cao, họ dựa dẫm, ỷ lại, chờ đợi tập thể và khi có việc không dám chịu trách nhiệm cá nhân. Những cán bộ này thuộc loại yếu kém, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ở một số tổ chức đảng hiện nay, việc thực hiện nguyên tắc TTDC còn có biểu hiện hình thức; nhiều vấn đề được đưa ra bàn bạc, nhưng ý kiến đóng góp không được tiếp thu đầy đủ, người chủ trì chỉ kết luận đại khái, hoặc tiếp thu rồi không thực hiện theo ý kiến của đa số. Tình trạng đó làm cho đảng viên không muốn đóng góp ý kiến, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; khi quá bất bình thì viết thư nặc danh, mạo danh hoặc bày cho người khác đấu tranh… Mặt khác, ở một số nơi, dân chủ không đi đôi với kỷ luật, dẫn đến kỷ cương lỏng lẻo, nói và làm tùy tiện, chấp hành nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước không nghiêm; thậm chí, có nơi còn lạm dụng dân chủ, phát tán “tờ rơi”, đưa tin đồn để nói xấu, đả kích cán bộ lãnh đạo, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Một số CB,ĐV do tính đảng không cao, nên thiếu sự thẳng thắn, trung thực; giảm sút tinh thần đấu tranh bảo vệ nguyên tắc Đảng, bảo vệ chân lý… Những biểu hiện trên bị các thế lực thù địch, cơ hội về chính trị triệt để lợi dụng hòng nói xấu Đảng ta và cổ xúy cho cái gọi là “dân chủ vô giới hạn”, “dân chủ tuyệt đối”, đa nguyên, đa đảng. Ý đồ xấu xa, thâm độc của chúng nhằm chia rẽ nội bộ, làm tan rã tổ chức và phá vỡ sự thống nhất của Đảng; suy rộng ra, nhằm phá vỡ tính thống nhất, kỷ luật, kỷ cương của Nhà nước ta, làm mất ổn định về chính trị-xã hội, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo quỹ đạo của chúng…
Khi nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được người có chức vụ nhận thức thực hiện đúng đắn thì thành tích lập được và cả sai phạm do cá nhân hay tập thể sẽ phân định rạch ròi trên cơ sở chức trách từng người, không thể cá nhân chạy tội và trút trách nhiệm cho tập thể. Phải giáo dục tinh thần chịu trách nhiệm, đấu tranh nội bộ mạnh mẽ, không xuê xoa khi có vấn đề, làm rõ trách nhiệm mỗi cá nhân.
Trong một số trường hợp, khi tập thể lãnh đạo nhưng đã đưa ra những chủ trương, quyết định sai lầm thì bên cạnh truy trách nhiệm của cá nhân, cũng cần xem xét đầy đủ trách nhiệm của tập thể và có biện pháp xử lý sai sót, sai phạm của tập thể. Điều lệ và các quy định của Đảng cũng có quy định về xử lý kỷ luật các tập thể. Có như vậy, các sai phạm của cả cá nhân và tập thể không thể “nấp” trong cái mác của tập thể rồi bình yên vô sự.
Tập thể lãnh đạo để phát huy trí tuệ của nhiều người, một cá nhân dù tài giỏi gì cũng không thể bằng nhiều người. Nhưng người phụ trách phải chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên.
Thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo sẽ tránh được sai phạm cá nhân lấn quyền, qua mặt tập thể. Bài học khủng hoảng dẫn đến sụp đổ của một số đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vẫn còn nguyên giá trị.
Trong lãnh đạo, điều hành thực tế, bí thư cấp ủy (hoặc phó bí thư, thay bí thư giải quyết công việc) phải làm tốt chức trách của mình là người chịu trách nhiệm cao nhất của cấp ủy. Bí thư có quyền quyết định những việc cụ thể nhưng trên cơ sở chủ trương đã thống nhất của tập thể và luôn vì lợi ích chung, không xuyên qua cá nhân. Một khi có vấn đề gì sai phạm chủ trương, đường lối của Đảng ở cơ quan hay địa phương, người chịu trách nhiệm trước tiên là bí thư cấp ủy và người phụ trách lĩnh vực công tác đó, kể cả bên chính quyền, vì Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp mọi mặt của đơn vị, địa phương.
Hiện nay, trong hệ thống chính trị đang thực hiện chế độ thủ trưởng, giao quyền cho thủ trưởng được quyết định và chịu trách nhiệm, như vậy, phát huy vai trò cá nhân phụ trách rất cao. Luôn có hai mặt trong thực hiện chế độ một thủ trưởng. Nếu người thủ trưởng có năng lực, trách nhiệm cao, phẩm chất tốt, đặt lợi ích chung lên trên, phát huy được sức mạnh tập thể thì đơn vị đó sẽ mạnh. Ngược lại, nếu người thủ trưởng đơn vị có ý đồ xấu, kém năng lực, lợi dụng chức quyền tham nhũng thì sẽ gây tác hại cho đơn vị đó, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Để khắc phục sai phạm do cá nhân gây ra, mỗi cơ quan đơn vị phải thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cá nhân dù được giao quyền theo chế độ thủ trưởng cũng phải ý thức rõ mình là một cá nhân và phải tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể, của cấp trên, phải rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh để bản thân luôn biết đặt lợi ích chung lên trên hết, thường xuyên tự phê bình kiểm điểm đấu tranh nghiêm khắc, không dễ dãi với bản thân thì mới tránh được những cám dỗ cuộc sống tác động hàng ngày, giữ mình là một cán bộ công bộc của nhân dân. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện thường xuyên, để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng như xử lý được chính xác, kịp thời những sai phạm, tránh để sai phạm kéo dài, lan rộng.

Ban Tuyên giáo – Nữ công LĐLĐ tỉnh
(Trích từ nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)


Bài viết liên quan