bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Khái lược về lịch sử và cuộc đời đồng chí Nguyến Đức Cảnh

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Từ năm 40 đầu công nguyên, Thái Bình đã có đội nghĩa quân và nữ tướng Bát Nàn, theo cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đánh quân xâm lược Đông Hán. Từ đó về sau, đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh…, thời kỳ nào, người dân Thái Bình cũng hăng hái tham gia và lập nhiều chiến công. Đầu thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Lê -Trịnh suy tàn, khởi nghĩa của nông dân nổ ra ở khắp nơi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Thái Bình của nghĩa quân Hoàng Công Chất, Phan Bá Vành…Thực dân Pháp xâm lược nước ta, người dân Thái Bình dưới sự chỉ huy của những sĩ phu yêu nước như Đề Hiện, Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Thái Phúc, Phạm Huy Quang, Đốc Đen, Lãnh Hoan, Lãnh Nhàn, Doãn Khuê, Lãnh Bí…đứng lên chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tỉnh Thái Bình thành lập ngày 21 tháng 3 năm 1890, với âm mưu của thực dân Pháp nhằm thiết lập bộ máy thống trị đàn áp phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thái Bình nhưng phong trào vẫn tiếp diễn ra mạnh mẽ. Đầu thế kỷ XX, tham gia và trở thành những nhân vật xuất sắc của phong trào Đông Du, phong trào Đông kinh nghĩa thục Thái Bình có thủ khoa Phạm Tư Trực, Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, Cả Cương, Ấm Đoan. Nhân dân Thái Bình có truyền thống cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh với thiên nhiên, giàu truyền thống văn hoá và hiếu học. Thái Bình có 115 vị đỗ đại khoa các triều đại phong kiến từ Phó bảng đến Trạng nguyên, trong đó có những trạng nguyên nổi tiếng như Khiếu Đình Tuân, Phạm Đôn Lễ, Lê Quý Đôn, Đỗ Lý Khiêm…

Truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương đã nuôi dưỡng tinh thần, khí phách cho những người cộng sản như đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chủ nghĩa Mác-Lênin như luồng gió mới thổi bùng lên phong trào cách mạng trong cả nước. Những hạt giống cộng sản đầu tiên đã sớm nảy mầm trên mảnh đất Thái Bình. Các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Vũ Trọng…đã tham gia lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đầu năm 1927, hai chi bộ “Thanh niên” đầu tiên của Thái Bình ra đời là chi bộ Minh Thành (thị xã) và chi bộ Trình Phố (Kiến Xương). Đầu năm 1928, Ban Tỉnh bộ Thái Bình được thành lập. Cuối tháng 6 năm 1929, Đảng bộ Thái Bình được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy truyền thống quê hương, tiếp nối xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các nhà cách mạng tiền bối, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân Thái Bình giành nhiều thành tựu trong các chặng đường lịch sử của đất nước.

Năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Thái Bình nổ ra liên tiếp, tiêu biểu là hai cuộc đấu tranh của nông dân Tiên Hưng-Duyên Hà ngày 1/5/1930, mở đầu phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân cả nước. Ngày 14/10/1930 nông dân huyện Tiền Hải nổi dậy đấu tranh, hưởng ứng cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất. Tháng 2/1950, thực dân Pháp tiến đánh Thái Bình, Đảng bộ Thái Bình lãnh đạo nhân dân đấu tranh kiên cường với kẻ thù, giữ đất, giữ làng, giành chính quyền và giải phóng tỉnh tháng 6/1954. Tham gia cùng cả nước kháng chiến chống Pháp, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng vạn tấn lương thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đất nước thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ Thái Bình lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

2. Gia đình

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước.

Cụ Nguyễn Đức Tiết, thân sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thi đậu cử nhân năm 1888. Vốn là người giàu tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ Nguyễn Đức Tiết bất bình trước sự hèn nhát của Triều đình nhà Nguyễn, sau khi đỗ đạt đã từ chối không ra làm quan, về quê dạy học. Thời gian này, Tạ Quang Hiện, nguyên là Hiệp Trấn Kinh Bắc, chống lại hành động bán nước của triều đình, từ quan, về quê chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống Pháp. Cụ Cử Tiết hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa do Tạ đề đốc (Đề Hẹn) đứng đầu. Cụ Cử là người có học vấn và uy tín nên được Tạ Quang Hiện giao cho nhiệm vụ chiêu mộ hào kiệt trong vùng. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Cụ Cử Tiết trở về làng dạy học. Học trò của cụ rất đông, nhiều người đã đỗ Nhất, Nhị trường, nhưng theo chí của thầy, không ra làm quan.

Cụ Trần Thị Thuỳ, thân mẫu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (năm 1952, Vĩnh Bảo sát nhập vào tỉnh Kiến An). Đây là vùng đất nổi tiếng kinh kỳ về truyền thống hiếu học, truyền thống nhiều người đỗ đạt làm quan. Phụ nữ làng Cổ Am đảm đang, chăm chỉ, thương chồng, yêu con. Họ Trần của cụ Thuỳ lớn nhất làng, nhiều người có học vấn, đỗ đạt cao.

Cụ Cử Tiết sinh được bốn người con, đó là: Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Đức Cảnh và Trần Thị Thừa. Năm lên bảy tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Đức Cảnh được Nguyễn Đạo Quán và Trần Mỹ, bạn học của cha, là tri phủ, nhận làm con nuôi và cho đi học. Nguyễn Đức Cảnh sớm tỏ ra là người có chí, thông minh, được thầy giáo qúy mến và bạn bè nể trọng.

3. Thời niên thiếu

Học hết tiểu học ở thị xã Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học trường Thành chung, Nam Định. Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và có thiện cảm, gần gũi với những người bị áp bức bất công. Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên yêu nước như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều…Nguyễn Đức Cảnh và các bạn rất say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…

Cuối năm 1925 đầu năm 1926, cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và tổ chức làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Ở Nam Định, Ban tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do các cụ nhà nho đứng ra tiến hành, lực lượng nòng cốt tham gia bao gồm công nhân và học sinh. Tham gia Ban lãnh đạo bãi khoá của học sinh hưởng ứng lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh có: Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu và Nguyễn Khắc Lượng.

Nguyễn Đức Cảnh còn cùng một số học sinh đi diễn kịch ở thành phố Nam Định và thị xã Thái Bình, lấy tiền giúp đỡ đồng bào bị lụt. Sau hoạt động tham gia bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh, dạy học và gia nhập hàng ngũ công nhân bằng cách trực tiếp lao động làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân).

4. Cuộc đời cách mạng

Năm 1927, khi còn là thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân, là một thanh niên yêu nước đang khát khao đi tìm lý tưởng, Nguyễn Đức Cảnh đã tìm đến và gia nhập nhóm “Nam Đồng thư xã”, tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 9 năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ “Thanh niên” để thực thi nhiệm vụ mà Quốc dân đảng giao cho. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật không gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang lập trường Cộng sản. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Tháng 2/1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng gồm (Hải Phòng, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh).

Ngày 28/9/1928, lần đầu tiên tại Hội nghị Kỳ bộ Hội thanh niên cách mạng Bắc kỳ tại một địa điểm ở chợ Hôm (Hà Nội), vấn đề đưa cán bộ đi ”vô sản hoá” được đặt ra và được coi là biện pháp thích hợp để tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất nhiều ý kiến xác đáng về chủ trương này.

Ngày 17/6/1929, tại ngôi nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên.

Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã định ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Hội trưởng lâm thời. Tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Đức cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan làm Hội trưởng.

Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hải Phòng thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm ba đồng chí, do cấp trên chỉ định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn làm Uỷ viên.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại một địa điểm ở Cửu Long (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 2/1930, các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu… triệu tập Hội nghị tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cử ra Ban Chấp hành lâm thời. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu vào Trung ương nhưng đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan.

Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ.

Cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Vinh, bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn tích cực hoạt động cách mạng.

Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị kẻ địch xử chém tại Hải Phòng cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân, khi đồng chí 24 tuổi.

II. ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH LÀ MỘT TRONG NHỮNG LÃNH TỤ XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG TA, LÀ HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI

1. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đóng góp tích cực vào việc thành lập Đảng

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập tổ chức tiền thân của Đảng. Từ cuối năm 1928 sang đầu năm 1929, do kết quả hoạt động của các tổ chức Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng lúc này đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số người khác trong “Thanh niên” đã kịp thời nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào. Các đồng chí quyết tâm thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân, làm đội tiên phong giai cấp, đủ sức lãnh đạo và đáp ứng những yêu cầu của phong trào cách mạng. Để thực hiện quyết định quan trọng đó, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã tích cực vận động cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

Đầu tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), chi bộ cộng sản gồm 7 người: Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân được thành lập. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Ngay sau khi thành lập chi bộ Hàm Long, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Với danh nghĩa Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, ngày 28, 29 tháng 3 năm 1929, chi bộ Hàm Long triệu tập Đại hội đại biểu toàn xứ Bắc kỳ. Trong đại hội này, các đại biểu tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản và cử 4 đại biểu dự Đại hội “Thanh niên” toàn quốc do Tổng bộ triệu tập. Các đồng chí trong đoàn đại biểu được giao nhiệm vụ đề xuất và đấu tranh cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đại hội “Thanh niên” toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 1 tháng 5 năm 1929, Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng khai mạc tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Đại hội, đoàn đại biểu Bắc kỳ đã đề nghị thành lập Đảng Cộng sản thay cho Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, lúc này không còn đủ khả năng đáp ứng được những đòi hỏi của phong trào, nhưng đề nghị này đã không được đa số đại biểu tán thành.

Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đồng chí trong chi bộ Hàm Long thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ra Tuyên ngôn, xuất bản báo “Búa liềm” làm cơ quan tuyên truyền của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được thành lập do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên. Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng giới thiệu chủ nghĩa cộng sản và chuyên chính vô sản, phân tích cách mạng thế giới và đề ra đường lối cách mạng ở Đông Dương, đề ra chính sách của Đảng trong cách mạng dân chủ tư sản và xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng.

Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng, đặc biệt là của giai cấp công nhân; cổ vũ và đưa phong trào phát triển lên một bước mới trên diện rộng và chiều sâu, nhất là ở Bắc kỳ. Đông Dương Cộng sản Đảng xứng đáng là người mở đường xuất sắc.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Đầu tháng 4 năm 1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách, là một trong những tổ chức cộng sản ra đời sớm sau Chi bộ Hàm Long và đánh dấu một bước ngoặt của phong trào cách mạng Hải Phòng. Sau ngày thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ở Hải Phòng từ cuối tháng 6 đến tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những thanh niên tiên tiến nhất để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8 năm 1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm ba đồng chí, do cấp trên chỉ định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn là Ủy viên. Sau Hội nghị Hương Cảng (ngày 3 tháng 2 năm 1930), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng, đã chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4 năm 1930) do đồng chí làm Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có nhiều đóng góp cho công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng. Kết hợp đúng đắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nhận thức rõ ràng về giữ vững và tăng cường bản chất công nhân trong Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức cho giai cấp công nhân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo quan điểm của giai cấp công nhân; củng cố mối quan hệ mật thiết với giai cấp công nhân với giai cấp nông dân; trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Khi làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, làm Bí thư khu bộ Hải Phòng hay thời gian công tác ở Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân. Với trình độ lý luận, thực tiễn sâu sắc và bản lĩnh chính trị vững vàng, với trải nghiệm trong phong trào công nhân, với phương pháp giảng dạy sinh động, phù hợp với từng đối tượng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã giúp các học viên dễ dàng tiếp thu bài giảng, nắm vững được lý luận, phương pháp và đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, sau khi được huấn luyện, đồng chí phân công học viên vào các xóm thợ, xưởng máy, ra vùng ngoại thành và vùng mỏ để tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Nhiều cán bộ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bồi dưỡng, đào tạo, sau này đã trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của phong trào công nhân.

Đồng chí đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục lập trường cách mạng vô sản. Ở các lớp huấn luyện cũng như trong công tác hàng ngày, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường phân tích, chỉ ra tính chất không triệt để, mơ hồ của chủ nghĩa “Tam dân” trong chủ trương cách mạng của Việt Nam Quốc dân đảng, nhằm làm cho học viên nhận thức được tính đúng đắn của tư tưởng cách mạng vô sản, triệt để giác ngộ lý tưởng cộng sản. Đồng chí hướng dẫn cho các học viên khắc phục những hạn chế trong nhận thức; uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, trong hoạt động công tác; tạo điều kiện cho mọi học viên rèn luyện, từng bước trưởng thành trong đấu tranh cách mạng.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, phong trào đấu tranh của công nhân khu mỏ lên cao, nhưng bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc như: bộc lộ lực lượng, manh động tiểu tư sản, coi trọng việc vận động công nhân thợ cơ khí, xem nhẹ việc vận động công nhân tầng, lò. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kịp thời cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cán bộ của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đến khu mỏ kiểm tra tình hình, bổ khuyết, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót của phong trào, đưa phong trào tiếp tục phát triển đúng hướng. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời đó của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, phong trào công nhân mỏ đã phát triển nhanh, lành mạnh, luôn bám sát chủ trương của Đảng.

Thực hiện chủ trương tăng cường thành phần công nhân trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã bố trí, đề cử những đồng chí xuất thân là công nhân đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo cao, coi trọng bồi dưỡng hạt nhân cộng sản trong thanh niên, chú trọng bồi dưỡng tài năng lãnh đạo.

Do có quan điểm giai cấp đúng đắn, ngoài việc chú trọng vận động công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn quan tâm đến việc tuyên truyền, tổ chức vận động nông dân và các tầng lớp lao động khác. Không chỉ xây dựng cơ sở cách mạng trong nhà máy, đồng chí còn chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng ở đường phố, trường học và vùng nông thôn ngoại thành, trong cả đối tượng là nông dân, dân nghèo thành thị và hàng ngũ trí thức. Việc làm và sự chỉ đạo đúng đắn đó của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đẩy mạnh được phong trào đấu tranh ở cả thành thị và nông thôn; gắn bó, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng ở nông thôn và phong trào thành thị; gắn bó giữa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng ta với nhiều đóng góp xuất sắc. Sau khi dự lớp huấn luyện chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được phân công làm việc ở một cơ quan in của “Thanh niên” ở phố chợ Đuổi (nay là phố Tuệ Tĩnh-Hà Nội). Thời gian này, công tác tuyên truyền vận động cách mạng đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp bách, đặc biệt là việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm giác ngộ quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, đoàn kết tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng, đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh soạn thảo các tài liệu tuyên truyền trên cơ sở những lý luận cách mạng đã được học ở Quảng Châu và nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Tổng bộ, in ấn và phát hành tài liệu đi các cơ sở. Đồng chí là một trong những người có công đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng cách mạng trong nước.

Thời gian làm Bí thư Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5 năm 1929, báo “Cờ đỏ” xuất bản số 2 tuyên truyền cho việc thành lập Đảng Cộng sản; ngày 15 tháng 10 năm 1929, báo “Sao đỏ” số 1 của Đảng bộ Hải Phòng ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách và đảm nhiệm hầu hết các bài viết trên báo. Tháng 1 năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra tổ chức in ấn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuốn sách “Sự nghiệp cách mạng của Lênin”. Đây là cuốn tiểu sử, đồng thời cũng là cuốn sách lý luận phân tích chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng sau cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng ở Yên Bái và một số nơi khác. Chúng truy lùng ráo riết những người cộng sản và tiến công quyết liệt vào phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đấu tranh không khoan nhượng, kiên quyết đấu tranh chống lại tư tưởng”chờ thời” thụ động, đợi qua cơn khủng bố của địch rồi mới tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động. Đồng chí đã triển khai ngay việc truyền đạt Nghị quyết của Hội nghị thành lập Đảng ở Cửu Long và Nghị quyết hội nghị tiếp theo của Đảng ở trong nước cho cán bộ, đảng viên Đảng bộ Hải Phòng, do đó Đảng bộ Hải Phòng được giữ vững, các đoàn thể quần chúng như công hội, nông hội, thanh niên, phụ nữ vẫn được duy trì và củng cố. Truyền đơn, áp phích, cờ búa liềm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi để chào mừng sự ra đời của Đảng, báo chí và tập san bí mật vẫn lưu hành, những cuộc đình công, bãi công của công nhân, những cuộc đấu tranh của nông dân vẫn liên tiếp nổ ra. Bên cạnh những khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền sống, là những khẩu hiệu ủng hộ nước Nga Xô viết, phản đối đế quốc Pháp khủng bố các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái, phản đối khủng bố trắng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn thành lập đội tuyên truyền xung phong gồm những người dũng cảm, có năng lực diễn thuyết trước đông đảo quần chúng để trương cờ búa liềm và diễn thuyết, vạch trần tội ác của đế quốc và tay sai, cổ vũ quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí đã viết cuốn sách “Trả lời Kơrôteme”, được in và phát hành rộng rãi để vạch trần bộ mặt thật của bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Với những lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, với những dẫn chứng cụ thể, sinh động, cuốn sách đập tan những luận điểm ngụy biện, xuyên tạc vu khống chủ nghĩa cộng sản và công xã Quảng Châu của tên thực dân cáo già Kơrôteme. Đây là một đòn chính trị đánh mạnh vào bọn thực dân, củng cố niềm tin cho công nhân và nông dân vào sự nghiệp cách mạng.

Thời gian phụ trách công tác tuyên huấn ở Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, trong số đó, nhiều bài in trên báo”Người lao khổ”, “Tiến lên” mà đồng chí là người phụ trách, đồng thời đóng vai trò quan trọng cùng với các đồng chí trong Xứ ủy Trung kỳ xây dựng, phát triển một hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở với nhiều bài viết có chất lượng cao. Cơ quan Xứ ủy Trung kỳ, ngoài tờ báo “Người lao khổ” còn có báo “Công nông binh”, “Chỉ đạo”, “Vô sản” và ” Tin tranh đấu Trung Kỳ”. Tỉnh ủy Nghệ An có báo “Tiến lên”, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có báo” Công nông binh”, “Bước tới”. Các huyện ủy đều có báo riêng: “Nhà quê”(Thanh Chương), “Gương vô sản”(Anh Sơn), “Dân nghèo”(Nghi Lộc), “Giác ngộ”(Nam Đàn), “Sản nghiệp”(Quỳnh Lưu), “Tự cứu”(Can Lộc), “Tiếng gọi”(Đức Thọ),”Bước tới”(Cẩm

Xuyên)… Những tờ báo đó và các tài liệu tuyên truyền khác đã góp phần củng cố giữ vững phong trào cách mạng của quần chúng trước sự khủng bố điên cuồng của địch, đập tan những luận điệu xuyên tạc của báo chí phản cách mạng, động viên cổ vũ quần chúng, bảo vệ Đảng, chống lại mọi âm mưu và hành động xảo quyệt của địch.

Trong những ngày ở xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết một số bài về “Gia đình và chủ nghĩa cộng sản” để đập lại luận điệu của địch cho rằng cộng sản là những người không gia đình, viết sách “Chuyện nước Tàu” nói về cuộc đấu tranh của công nhân Trung Quốc trong công xã Quảng Châu, viết tập “Công nhân vận động” trong đó nêu rõ đặc điểm giai cấp công nhân Việt Nam; tinh thần đấu tranh của công nhân; nội dung, phương pháp tổ chức, rèn luyện, lãnh đạo công nhân đấu tranh; kinh nghiệm vận động công nhân. Tập “Công nhân vận động” là một tài liệu mang tính tổng kết cao làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn công tác công vận của Đảng ta. Đồng thời, đây cũng là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam viết một cách hệ thống về phong trào công nhân Việt Nam.

2. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về giai cấp công nhân và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân. Trong thời gian đồng chí Nguyễn Đức Cảnh theo học ở trường Thành chung, Nam Định, công nhân các nhà máy sợi, máy tơ, máy rượu ở thành phố Nam Định đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống cúp phạt đã giúp đồng chí bước đầu hiểu về giai cấp công nhân, về tinh thần đoàn kết đấu tranh của họ. Những nhận thức đó thêm sâu sắc khi đồng chí làm công nhân sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân. Đó là những nhận thức quan trọng, những đồng cảm chia sẻ


Bài viết liên quan