Rêu rao thuyết “đa nguyên công đoàn”
Ở đâu có hoạt động của các tổ chức “đại diện người lao động” để công nhân mình khi cần tìm đến nhờ giúp đỡ? Chúng tôi hỏi nữ công nhân Phạm Bích Thủy ở khu nhà trọ số 71, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương). “Ở trên không gian mạng chứ ở đâu chú”, nói rồi, Bích Thủy lấy điện thoại ra bấm vào Facebook tài khoản “Nhóm bạn công nhân”.
Lướt qua tài khoản này, Bích Thủy dừng lại ở hình ảnh và thông tin được đăng tải 5 ngày trước về vụ lãn công tại một doanh nghiệp ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với bình luận của các tài khoản hùa theo có nội dung xuyên tạc sự thật, kích động công nhân “đi đấu tranh để đòi quyền lợi”.
Bấm vào tài khoản “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”, chúng tôi không khó nhận ra các thành viên trong tổ chức chống phá này, trong đó có đối tượng Nguyễn Tiến Trung với vai trò là Phó Chủ tịch “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”, đã bỏ trốn ra nước ngoài gần 1 năm trước, sau khi chấp hành xong bản án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Mới đây, Nguyễn Tiến Trung tung “Tuyên bố về quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của NLĐ Việt Nam” lên mạng xã hội, với nhiều nội dung sai trái, xuyên tạc sự thật về công nhân, NLĐ tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tại các địa phương đã đấu tranh, kịp thời ngăn chặn được âm mưu và hoạt động của các tổ chức phản động núp bóng “đại diện NLĐ”, xử lý nhiều đối tượng chống phá, như: Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và nhiều thành viên cộm cán trong cái gọi “Phong trào lao động Việt”, do Trần Ngọc Thành cầm đầu.
Các đối tượng này cấu kết với nhau, tạo ra những hội nhóm, tổ chức “đại diện NLĐ” hoạt động ở khắp nơi, trong đó trọng điểm là ở các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và TPHCM.
Dưới vỏ bọc “đại diện NLĐ”, chúng từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động công nhân, NLĐ ở các doanh nghiệp tham gia biểu tình, đình công, đưa ra các yêu sách vô lý với giới chủ doanh nghiệp và đòi “tự do, dân chủ cho công nhân”.
Những hoạt động trên đã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các tổ chức “công đoàn độc lập”, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các cấp Công đoàn Việt Nam – tổ chức đại diện hợp pháp quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, NLĐ. Đây được cho là tiến trình của thuyết “đa nguyên công đoàn” mà các thế lực thù địch, các hội, nhóm, tổ chức phản động ở trong và ngoài nước đang hướng đến.
Âm mưu, thủ đoạn này đã sớm được các cơ quan chức năng nhận ra, kịp thời có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các tổ chức khủng bố, phản động, rải truyền đơn tuyên truyền, lôi kéo công nhân, NLĐ tham gia thành lập các hội, nhóm, tổ chức “đại diện NLĐ”, các “nghiệp đoàn độc lập” bất hợp pháp tại một số doanh nghiệp. Qua đó, thấy được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang tạo ra thời cơ để thành lập “công đoàn độc lập”.
Đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ
Tại Hội nghị về quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tổ chức công đoàn đổi mới phương thức, nội dung hoạt động để tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong khu vực công nghiệp, nơi có hàng vạn công nhân, NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Công đoàn phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…, phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ; đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể…
“Một số tổ chức “xã hội dân sự” ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thành lập tổ chức độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp. Họ tìm cách gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện một số chế độ, chính sách, quyền lợi ngoài quy định của doanh nghiệp và Bộ luật Lao động; yêu cầu cung cấp thông tin về NLĐ, bảng lương; lấy lý do điều tra xã hội học phục vụ công tác nghiên cứu để tìm hiểu đời sống công nhân tại doanh nghiệp, chế độ, giờ giấc làm việc, việc đối xử của doanh nghiệp với công nhân…
Đồng thời, lồng ghép các điều khoản yêu cầu phía doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết đồng ý thành lập ban tư vấn cải tiến doanh nghiệp từ 8-16 người. Đây là một dạng của tổ chức “công đoàn độc lập”, hoạt động không đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động” .
(Nguồn: Cơ quan an ninh)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích, căn cứ theo khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động (năm 2019), tổ chức đại diện NLĐ tại đơn vị được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Tổ chức đại diện tại cơ sở của NLĐ bao gồm: công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp. Tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở là tổ chức do NLĐ thành lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động. Các tổ chức đại diện NLĐ ở cơ sở hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, điều lệ, tự nguyện, tự quản và theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, NLĐ làm chủ.
Do vậy, việc thành lập tổ chức đại diện NLĐ ngoài công đoàn tại doanh nghiệp, theo TS Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị Khu vực II, là khó khăn, thách thức đặt ra rất lớn đối với tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Nhưng đây cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tế.
Nếu có những tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của NLĐ được thành lập thì các tổ chức này phải tuân thủ Hiến pháp, luật pháp và các quy định của Nhà nước, chỉ là những tổ chức nghề nghiệp, không hoạt động chính trị và được gọi chung là “tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở”.
Tổ chức này chỉ được hoạt động trong khuôn khổ quan hệ lao động giữa NLĐ và người sử dụng lao động; không cho phép các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp.