Từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tình hình thế giới đã có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khiến cho công tác đối ngoại của Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, năm 2023, 2024 đã chứng kiến những hoạt động đối ngoại hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của đất nước.
Việc chúng ta đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Hun Manet, mới đây là Tổng thống Nga Putin và nhiều nguyên thủ quốc gia quan trọng khác đến thăm Việt Nam; việc Việt Nam tham gia và ngày càng có vai trò quan trọng trong các cơ chế đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, APEC, AIPA, COP 28… được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Có được thành công này, đó là nhờ một tầm nhìn và một tư duy đối ngoại khác biệt của người đứng đầu đất nước. Đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhận định: “Có thể thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng hết sức coi trọng công tác đối ngoại, trong các bài phát biểu luôn nhấn mạnh đối với bất kỳ một dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý hai vấn đề đối nội và đối ngoại, nêu rõ công tác đối ngoại không chỉ là sự kéo dài của đối nội mà còn là động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển của đất nước. Vấn đề nữa là tư tưởng của Tổng Bí thư về vấn đề phải làm sao luôn quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn với tất cả các nước, là thành viên tích cực trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định tư tưởng, nguyên tắc xử lý linh hoạt mọi vấn đề phát sinh, luôn nắm chắc tình hình mới, diễn biến rất nhanh chóng của tình hình trong nước và trên thế giới. Đặc biệt đồng chí luôn nhấn mạnh, nếu sai về đường lối có thể dẫn đến sai hết tất cả”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh trong lĩnh vực đối ngoại phải: “Vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”.
Việc tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tư duy: “Ngoại giao Việt Nam phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo và mềm dẻo hơn phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường vị thế đất nước”… không chỉ cho thấy sự quan tâm mà còn là trăn trở của nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đối với công tác đối ngoại. Không ít lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ rằng: phía sau các nhà ngoại giao luôn có toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là cái gốc để các Đại sứ thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quang và đầy trọng trách: bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nói đến dấu ấn của một nhà lãnh đạo luôn chăm chút cho công tác đối ngoại và hội nhập của đất nước. Cùng với những quyết sách quan trọng của đất nước, trong tâm trí của ông, việc giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; việc cân bằng quan hệ với các nước lớn, làm bạn với các nước bạn bè trên thế giới; việc bảo vệ lợi ích quốc gia toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo ấm no, hạnh phúc cho người dân … luôn là những ưu tiên hàng đầu dẫu ông bận trăm công ngàn việc.
PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) cho rằng: nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nói về dấu ấn của một người “truyền lửa”, truyền động lực cho ngành ngoại giao Việt Nam: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi hội nghị ngoại giao bao giờ cũng có những bài phát biểu để căn dặn cán bộ ngoại giao Việt Nam. Những nội dung căn dặn đó là 1 nhà ngoại giao hiện đại không thể quên truyền thống. Ngoại giao phải xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời người thời này phải có kiến thức mới, phương pháp mới và bắt buộc phải làm nghiên cứu. Chúng ta hiểu thế giới mới có thể đàm phán được với họ Đó là lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với ngành ngoại giao Việt Nam”.
Còn Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi luôn nhớ tới lời dặn của nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước- đó chính là mỗi vị Đại sứ, Trưởng Đại diện cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện được văn hóa, bản sắc, cốt cách của người Việt. Đặc biệt những người làm ngoại giao còn phải thúc đẩy tinh thần đoàn kết nhân ái, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng ngoại giao Việt Nam phải thể hiện được văn hóa, bản sắc, cốt cách của con người Việt Nam. Trong bất cứ tình huống nào, cũng đều kiên cường, vững chắc nhưng mềm mại linh hoạt như cây tre, luôn mang tinh thần và khí thế tiến công, dù hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định đường lối”.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh, những năm gần đây, Việt Nam thực hiện chính sách “ ngoại giao cây tre” linh hoạt về mặt sách lược, trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, tích cực phát triển quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới. Công tác đối ngoại của Việt Nam đã giành được thành tựu quan trọng, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn và các nước đối tác hữu nghị truyền thống; kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: Đối ngoại phải đi trước, mở đường, trở thành động lực cho phát triển đất nước. Những thành quả của đối ngoại Việt Nam sẽ là những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn mới. Và dấu ấn của “người truyền lửa”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục là động lực để đối ngoại Việt Nam vượt qua thách thức, không lùi bước trước trở ngại khó khăn trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay.