bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Uống nước nhớ nguồn

Tháng 7 là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và dành tình cảm sâu sắc cho thương binh, gia đình liệt sĩ, thể hiện tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân đối với những người con anh dũng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn đã kiên cường đấu tranh, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Những cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về sự hy sinh cao cả vẫn in đậm trong tâm hồn mỗi người Việt. Hàng triệu người con ưu tú đã dâng hiến tuổi xuân, sẵn sàng xả thân cho đất nước, để lại dấu ấn bất diệt trong lịch sử dân tộc. Máu đào và sự hy sinh của các liệt sĩ, thương binh đã giúp đất nước ta giành được độc lập, tự do. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn ấy, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và kiên cường của cha ông, xây dựng một Việt Nam hùng mạnh và thịnh vượng.

Trước những mất mát, hi sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong suốt thời gian dài từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời con, cháu mai sau.

Bởi vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn ”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, chúng ta những người dân Việt Nam một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các Anh hùng liệt sỹ ngọn nến tri ân, những vòng hoa tươi thắm, thắp nén tâm nhang xin bày tỏ lòng thành kính, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đến các anh – những người con bất tử, đã hi sinh cho Tổ quốc. Vinh quang của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không ai khác chính các anh, các chị là những người đã tạo nên. Tổ quốc, nhân dân Việt Nam tự hào về các anh – những người anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh đoàn kết của Dân tộc trong bối cảnh vô vàn thách thức ấy còn được thể hiện qua ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và gia đình người có công. Nhiều tấm gương sáng đã vượt qua thương tật, hòa nhập cuộc sống, cống hiến trong lao động, sản xuất, và các hoạt động xã hội. Những gia đình chính sách, thương binh không chỉ chăm lo cho tổ ấm của mình mà còn tích cực tham gia xây dựng cộng đồng, đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước. Họ không chỉ là biểu tượng của sự kiên cường mà còn lan tỏa tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Những câu chuyện cảm động này đã làm rạng danh đất nước, thể hiện ý chí và sức mạnh Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng và ngưỡng mộ và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của Dân tộc Việt Nam luôn chú trọng “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, 77 năm qua, rất nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng…

Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị- xã hội. Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.

Trước khi rời xa chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những lời dặn dò sâu sắc trong bản Di chúc: “Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, Đảng, Chính phủ và nhân dân phải nỗ lực tìm mọi cách để bảo đảm cho họ có điều kiện sống ổn định, có nơi ăn ở và công việc thích hợp. Đồng thời, cần mở các lớp dạy nghề phù hợp để giúp họ có thể tự lập và tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ tại từng địa phương, nên xây dựng các vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của họ, từ đó giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ nếu gặp khó khăn và thiếu thốn, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để họ có công ăn việc làm, không để họ phải chịu đói rét.”

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công với cách mạng một cách đồng bộ và toàn diện. Các chế độ ưu đãi đã được mở rộng và cải thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công và thân nhân của họ. Cả hệ thống chính trị, cùng các tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã chung sức, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được đẩy mạnh. Kinh phí được bố trí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang và bia ghi danh liệt sĩ, đảm bảo tính bền vững và trang trọng, đáp ứng nhu cầu tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng.

Những hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tri ân sâu sắc mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Việc tôn vinh và ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông giúp chúng ta luôn tự hào về ý chí quật cường của các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh để đem lại độc lập và hòa bình cho đất nước hôm nay. Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27 tháng 7năm 2024), CĐCS trường THCS Nguyễn An Ninh kính dâng hương hoa, thắp nến tri ân các anh hùng Liệt Sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc vào tối ngày 26/7 tại đền thờ Liệt Sĩ thành phố Vũng Tàu. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa thiết thực và có ý nghĩa hơn nữa để tri ân những người có công với Tổ quốc. Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ đời đời nhớ ơn các anh hùng, Liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho độc lập, tự do, hoà bình hôm nay./.

Nguyễn Thị Thùy Dung


Bài viết liên quan