bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Văn hoá ứng xử nhà giáo – Đôi điều suy nghĩ

Khi nói tới “văn hóa ứng xử”, chúng ta có thể hiểu nôm na, đó là những cái hay, cái đẹp được tích lũy thành giá trị, thành chuẩn mực trong ứng xử, trong giao tiếp. Có nhiều khía cạnh ứng xử: giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh và học sinh cũng như giữa thầy cô và phụ huynh. Xin nói đôi điều về “văn hóa ứng xử của thầy cô giáo và vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường”.

Thi Cô giáo tài năng- duyên dáng

Hình ảnh người thầy từ xưa luôn là chuẩn mực của cái hay, cái đẹp, cái mực thước, nghiêm túc, của sự kính trọng và lòng biết ơn trong mỗi phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Từ cách đi, đứng, nói năng, ăn mặc, ứng xử với những người xung quanh, từ những bài giảng mỗi ngày đến lớp, nhất là những thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, khi họ mỗi ngày gần gũi, uốn nắn, chia sẻ với học trò mình…, ấn tượng về họ có thể theo các em suốt cả cuộc đời. Tôi đã từng chứng kiến, con trai của mình, một học sinh lớp Chuyên Tin, lại háo hức, hăng hái đi thi học sinh giỏi tỉnh bộ môn Địa lý và đạt giải, chỉ vì ấn tượng và yêu quý cô giáo dạy bộ môn Địa. Có nhiều em học sinh, bắt chước thầy cô của mình từ trang phục, cách nói năng, ứng xử và theo mãi các em thành thói quen của mình. Còn nhớ có lần, trong bài thi thuyết trình về “Chắp cánh ước mơ”, nhiều em đã không ngần ngại chọn nghề sư phạm, với lý do vì yêu quý, ngưỡng mộ, khâm phục thầy cô giáo của mình. Đó là hạnh phúc của người thầy, là điều mà cho dù trong xã hội nào, trong hoàn cảnh nào, cũng nên duy trì và phát huy. Để những câu ca như “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy. Gắng công mà học có ngày thành danh”, “Mẹ cha công đức sinh thành. Ra trường thầy dạy học hành cho hay”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa” vẫn còn vang mãi.

Giao lưu nhà giáo tiêu biểu
Thế nhưng, hiện nay, hình ảnh người thầy, có lúc, có nơi, có những biểu hiện không được như thế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là chính ứng xử của người thầy chưa hẳn đã đẹp, đã chuẩn mực, thậm chí còn vi phạm đạo đức, thuần phong mĩ tục, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong trường học, thầy cô xưng hô với nhau, trước mặt học trò, có lẽ do thói quen, nhiều khi suồng sã thái quá (ông bà, mày tao…). Thầy cô ăn mặc vào trường đôi khi không được đẹp và mô phạm. Có thể là váy đầm lộng lẫy, có thể là trang phục rất thời trang, nhưng không phù hợp học đường. Thầy cô đối xử với nhau, đôi khi không chuẩn mực, thậm chí lên zalo, facebook nói xấu, mạt sát nhau. Thầy cô đối xử với học trò, nhiều lúc, không công bằng, có thể do những nguyên nhân rất riêng tư (không thích tính cách em đó, vì em đó không đi học thêm chẳng hạn…). Cùng một hiện tượng, giữa các trò có sự phân biệt đối xử. Thực ra học trò rất tinh, nhớ ngày xưa còn đứng lớp, tôi tự hào mình từng rất nghiêm khắc với các em, thường cho điểm 0 khi các em không thuộc bài hoặc vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử, nhưng đố em nào dám phản ứng, vô lễ, cho dù là học sinh cá biệt, bởi vì sau đó, tôi thường không giấu được nỗi buồn khi các em vi phạm, niềm mong mỏi các em tiến bộ, và cho các em khắc phục, gỡ điểm, em nào cũng thế. Thầy cô giao tiếp với học sinh, lắm lúc không chuẩn mực, mày mày tao tao, phạt đánh, phạt quỳ, hoặc có khi lại quá thân thiết đến mức nhạy cảm… Thầy cô vốn là tấm gương cho học sinh noi theo, gương không trong, học sinh sẽ không noi theo được mà cũng không có tình cảm tốt. Đơn giản như khi hát quốc ca, nhiều nơi nhạc trỗi lên, học sinh hát, thầy cô đứng im, cũng là không tốt và không đúng. Ra đường, thầy cô vẫn vi phạm luật giao thông; khi dạy thêm, nhiều lúc thầy cô cũng thực hiện không đúng quy định, dư luận nói đến việc một số thầy cô ép học sinh học thêm, phân biệt đối xử với học sinh không đi học thêm, thậm chí là cách thu tiền học thêm…không phải là không có. Có một câu chuyện vui: Cô giáo bước vào lớp, hôm nay cô mặc chiếc áo dài xanh rất đẹp, dáng cô thật thướt tha, cô khoan thai mở sổ, cô nhìn xuống lớp, hỏi: Hôm nay ai chưa đóng tiền? Một điều nữa cũng rất quan trọng, thầy cô là người truyền đạt, cung cấp kiến thức cho học sinh, nhưng những hạn chế về chuyên môn, năng lực giảng dạy, sẽ làm giảm đi vị thế cũa thầy cô trong lòng học trò rất nhiều. Nhiều em học sinh, sau này khi trưởng thành, vẫn ấn tượng mãi với những bài dạy sâu sắc, bởi cách truyền đạt lý thú, bởi cả nét chữ, hình vẽ trên bảng đen… và ngược lại, các em có thể rất buồn cười trước một phát âm không chuẩn của của thầy giáo ngoại ngữ, một lời bình văn không thấu đáo của cô giáo ngữ văn…

Đương nhiên, hiện nay, một số vấn đề ứng xử trong học đưiờng, không phải hoàn toàn do lỗi của thầy cô, có thể do phụ huynh thái quá, do học sinh cá biệt, do lãnh đạo đơn vị thiếu trách nhiệm, do các kênh thông tin quá phức tạp,… để dẫn đến những vụ việc đáng tiếc, gây ấn tượng không tốt về văn hóa ứng xử học đường.

Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp gì?

Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018- 2025”. Mục tiêu chung là “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Điều này cho thấy, văn hóa ứng xử trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm.

Theo tôi, thứ nhất, tự bản thân thầy cô giáo phải thường xuyên tâm niệm nghề giáo của mình là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”. Cho nên, phải rèn luyện sao cho xứng đáng với cái cao quý của nghề, luôn rèn đức, luyện tài, luôn ý thức mình phải chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói, trang phục, cử chỉ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thứ hai, tổ chức công đoàn, theo chức năng của mình, luôn phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, tham gia quản lý, tuyên truyền, vận động đội ngũ CBNGNLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, chính trị, tư tưởng, đạo đức, mặt khác, có những kiến nghị, giải pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần cho thầy cô giáo tham gia học tập, bồi dưỡng.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018- 2025”. Cụ thể, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Hàng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong trường học về xây dựng văn hóa ứng xử; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật…). Tăng cường giáo dục giáo viên, học sinh, sinh viên việc sử dụng mạng xã hội tích cực, đúng luật.

Thứ tư, việc tổ chức các hội thi, hội thảo, chuyên đề, nêu gương, tuyên dương những điển hình tiêu biểu trong văn hóa ứng xử học đường nói riêng và những cái hay, cái đẹp của nghề giáo nói chung cần luôn luôn được quan tâm thực hiện. Những điển hình hay, những gia đình, những trường học giáo dục được văn hóa ứng xử hiệu quả cho học sinh cần được nhân rộng một cách có thực chất, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, đẩy lùi cái xấu, nhân rộng cái đẹp, xây dựng tượng đài đẹp về hình ảnh người thầy, về nét đẹp văn hóa học đường.

Nói chung, văn hóa ứng xử học đường là một câu chuyện dài nhiều tập, có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác giáo dục, trong sự tồn vong của nếp sống, đạo lý làm người. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò dẫn lối của người thầy. Thầy không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà còn làm gương cho học sinh. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa ứng xử nhà giáo là một trong những yêu cầu cần thiết cho một môi trường giáo dục thực sự lý tưởng ./.

Nguyễn Minh Thu Thủy

Chủ tịch CĐGD tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu


Bài viết liên quan