bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu đồng: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp

Tháng 10/2023, Tạp chí Lao động và Công đoàn đăng loạt bài về vụ án một người lao động khởi kiện công ty và thắng kiện, được bồi thường hơn 725 triệu đồng. Bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đã kháng cáo và tòa phúc thẩm sẽ xét xử vào ngày 02/5/2024. Liên quan vụ việc này, PV có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai.
Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp
Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ảnh NVCC

PV: Là người luôn theo sát diễn biến vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề pháp luật trong vụ án này thưa luật sư?

Luật sư Vũ Ngọc Hà: Vụ án giữa nguyên đơn là anh Lưu Chí Hiếu (SN 1973, địa chỉ phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty BOT Phú Mỹ 3) là vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ).

Nhưng về nguyên nhân, điều kiện xác định làm cơ sở dẫn đến quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Lưu Chí Hiếu lại nằm ở pháp luật chuyên ngành về An toàn, vệ sinh lao động.

Cụ thể, theo biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 31/3/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì vào khoảng 10 giờ sáng ngày 03/6/2021 anh Hiếu đang làm việc tại Công ty BOT Phú Mỹ 3 thì bị chóng mặt, được bác sĩ trực và đội sơ cứu đưa từ nơi làm việc về Phòng Y tế của công ty thăm khám, điều trị, nghỉ ngơi, sau khoảng 30 phút thì trở lại làm việc.

Sau đó, khoảng 14 giờ, anh Hiếu được giao nhiệm vụ mở van xả đáy của lò thu hồi nhiệt 12. Khi đi xe đạp được nửa đường thì anh Hiếu lại thấy chóng mặt, nên tiếp tục được theo dõi tại Phòng Y tế của công ty; sau hơn 2 giờ, anh Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, sau đó chuyển tới Bệnh viện Bà Rịa và được chẩn đoán là bị nhồi máu não, tăng huyết áp.

Điều này khẳng định, anh Hiếu bị tai nạn trong lúc đang làm việc theo sự phân công của người có thẩm quyền trong công ty. Đồng thời, về tình hình sức khỏe của anh Hiếu trước khi xảy ra tai nạn đã được bác sĩ của công ty thăm khám, điều trị và cho anh Hiếu tiếp tục làm việc.

Như vậy, tai nạn này đối với anh Hiếu được xác định là “tai nạn lao động” theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đây là cơ sở quan trọng để xem xét việc Công ty BOT Phú Mỹ 3 đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Hiếu là đúng pháp luật hay trái pháp luật.

Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp
Anh Lưu Chí Hiếu (áo màu cam) tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: NVCC

PV: Trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động kéo dài, phải khởi kiện để tòa án giải quyết là gì thưa luật sư?

Luật sư Vũ Ngọc Hà: Quá trình giải quyết vụ việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhất là trong tìm hiểu và áp dụng pháp luật.

Cụ thể, phía anh Hiếu nhận định rằng đây là “tai nạn lao động” vì đã hội đủ các yếu tố, điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, điều này đã được khẳng định tại biên bản điều tra tai nạn lao động ngày 31/3/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3; Kết luận ngày 29/8/2023 của Hội đồng Giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; các văn bản trả lời của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Còn phía Công ty BOT Phú Mỹ 3 lại cho rằng anh Hiếu bị đột quỵ là do bệnh lý chứ không phải là “tai nạn lao động”. Và anh Hiếu đã điều trị liên tục 12 tháng mà chưa khỏi nên đã đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động với anh Hiếu từ ngày 08/6/2022, theo điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019.

Như vậy đã có những cách hiểu khác nhau giữa các bên về khái niệm “tai nạn” và “tai nạn lao động” quy định tại các văn bản pháp luật dẫn đến xu hướng áp dụng quy phạm pháp luật không đúng bản chất của tình tiết trong vụ việc; làm cho quá trình giải quyết vụ việc kéo dài, phải thông qua phán quyết của Tòa án.

Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp
Một trang Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 18/10/2023 xét xử vụ việc tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ.

PV: Luật sư nhận định như thế nào về phán quyết của Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ đối với vụ án này?

Luật sư Vũ Ngọc Hà: Tôi cho rằng, phán quyết của Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ tại Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 18/10/2023 là phù hợp theo pháp luật.

Cụ thể là xem xét, đánh giá về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đối với người lao động theo điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ và điều kiện về thời gian báo trước theo điểm c khoản 2 Điều 36 BLLĐ để tuyên hủy Quyết định chấm dứt HĐLĐ số PM3.0.2022/206 ngày 06/6/2022 của Công ty BOT Phú Mỹ 3 đối với anh Lưu Chí Hiếu; buộc Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải nhận anh Hiếu trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày anh Hiếu không được làm việc và phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 41 BLLĐ.

Đồng thời Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã nhận định tai nạn của anh Hiếu là “tai nạn lao động”. Tuy nhiên, tại Tòa, anh Hiếu đã rút yêu cầu khởi kiện bồi thường tai nạn lao động để tiếp tục khởi kiện bằng một vụ án khác.

Do đó, Hội đồng xét xử chỉ tuyên buộc Công ty BOT Phú Mỹ 3 phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với anh Hiếu sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc theo khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Vụ người lao động thắng kiện hơn 725 triệu: Phán quyết của tòa sơ thẩm là phù hợp
Do có kháng cáo của bị đơn, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 02/5/2024

PV: Qua vụ việc của anh Lưu Chí Hiếu, luật sư có kiến nghị, đề xuất gì về sửa đổi hoàn thiện pháp luật?

Luật sư Vũ Ngọc Hà: Về khái niệm “tai nạn” và “tai nạn lao động” trong BLLĐ và Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện nay chưa được giải thích rõ ràng, chưa đồng bộ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

“b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục”.

Đồng thời tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

“1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này”.

Trong khi đó khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì quy định: “8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, làm rõ “tai nạn” tại điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ (có loại trừ trường hợp tai nạn lao động hay không?). Tương tự “tai nạn” tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ (có phải là “tai nạn lao động” hay không?).

Có như vậy khi áp dụng pháp luật mới rõ ràng, tránh cách hiểu khác nhau. Vì trong thực tế, không phải tất cả các vụ tai nạn đều được công nhận là “tai nạn lao động”.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Đỗ Lâm – Tạp chí Lao động và Công đoàn


Bài viết liên quan