bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

6 điều Bác Hồ dạy với công nhân và tổ chức công đoàn

Bác Hồ từng dạy thiếu niên nhi đồng 5 điều, từng dạy Công an Nhân dân 6 điều, từng dạy Quân đội nhân dân: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Những lời dạy đó, hầu như ai trong chúng ta cũng từng được biết, từng thuộc.

Cách đây 67 năm, vào ngày 19/01/1957, khi đến nói chuyện tại Trường Cán bộ Công đoàn, Bác Hồ cũng nêu lên 6 điều cơ bản, nhưng rất sâu sắc và thiết thực đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam như sau:

1. Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.

2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng. Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân là tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên. Công nhân phải hiểu lao động là vẻ vang. Bất cứ nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp đều là vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang. Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu… Phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Hiện nay có hai khẩu hiệu: Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được. Đảng, Nhà nước, công đoàn phải luôn chú ý cải thiện đời sống cho công nhân nhưng phải dần dần, mỗi mùa một ít, mỗi năm một ít. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học. Như hồi xưa ta cho sét là ông thiên lôi, mưa là rồng phun nước, ốm là do ma làm. Như thế là phản khoa học. Nay ta hiểu khác, hiểu nguyên nhân rõ ràng. Con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học. Các tôn giáo theo duy tâm, còn giai cấp công nhân phải duy vật.

4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này phải đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.

5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiểu rõ tình hình trong nước và ngoài nước. Ví dụ có người hỏi củng cố miền Bắc là thế nào? Tranh thủ miền Nam là thế nào? Tại sao phải làm như vậy mới thống nhất được nước nhà? Phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không họ sẽ hoang mang. Do được hiểu tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.

6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.

Kể từ ngày 19/1/1957 ấy, 6 điều Bác Hồ căn dặn đã trở thành 6 điều mà toàn thể giai cấp công nhân và cán bộ các cấp của Công đoàn Việt Nam luôn tâm niệm và phấn đấu thực hiện tốt.

Như chúng ta đã biết, Bác Hồ không những là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà còn là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua công việc của người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Hơn ai hết, Bác thấu cảm và có tình thương yêu đặc biệt, luôn quan tâm, dành thời gian cho nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn lớn mạnh. Bác sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt cuộc đời, Người luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Người luôn mong muốn xây dựng giai cấp công nhân thành một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

Tháng 7/1969, chỉ 2 tháng trước khi qua đời, trong cuộc gặp ngay tại Nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Người nêu rõ: “Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa. Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống… Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ. Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân”.

Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Bác Hồ vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, vào tổ chức Công đoàn, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiền phong này.

“Ôn cố tri tân”, hôm nay Tết đến Xuân về, hôm nay đón mừng năm mới Giáp Thìn 2024, chúng ta lại một lần nữa có dịp ôn lại 6 điều Bác dạy công nhân và cán bộ công đoàn năm 1957, ôn lại những quan điểm tư tưởng và lời dạy của Bác về công đoàn và cán bộ công đoàn, kể từ lần cuối cùng Bác gặp các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Việt Nam vào tháng 7/1969, ôn lại những lời dạy thiết thực và quý báu đã hơn nửa thế kỷ của Bác.

Ngày nay, nước Việt Nam đang trên đường hội nhập thế giới, tiến hành đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều thành phần. Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vẫn tồn tại phát triển trong các xí nghiệp Nhà nước và tư nhân; tuy có khác nhau về người làm chủ nhưng đòi hỏi công nhân phải được trả lương theo năng suất, tay nghề và tính chất công việc, hưởng đầy đủ quyền lợi theo Luật lao động, chính sách chế độ của Nhà nước và công đoàn thực hiện Luật Công đoàn dưới sự lãnh đao của Đảng vẫn có vai trò và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công nhân tiến bộ theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ quá độ theo đường lối của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước pháp quyền.

Và vì tất cả những điều đó, chúng ta càng thấy rõ, 6 điều Bác Hồ dạy đối với công nhân, công đoàn từ 67 năm trước vẫn còn nguyên giá trị thiết thực và cao đẹp!

Mừng Xuân, nhớ Bác, nhớ những lời căn dặn của Người, giai cấp công nhân và cán bộ Công đoàn Việt Nam “xin nguyện cùng Người vươn tới mãi, vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu).

Bài viết: VŨ Hùng
Ành: T.LTạp chí Lao động và Công đoàn

 


Bài viết liên quan