bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Cảnh giác lừa đảo trên mạng dịp Tết

Lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các kịch bản lừa đảo luôn thay đổi hòng chiếm đoạt tài sản của người dân. Đặc biệt, dịp lễ, Tết là thời điểm tội phạm mạng gia tăng hoạt động.

Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo, luôn nhớ các nguyên tắc tuyệt đối không cung cấp mã bảo mật OTP tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ…

lua-1.jpg
Người dân nên tuân thủ quy tắc “6 không” để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Gia tăng lừa đảo trực tuyến

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhu cầu đi du lịch theo dạng tour trọn gói và tự túc các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn… vì thế cũng gia tăng. Đây là “miếng mồi” cho nhiều chiêu trò lừa đảo trên nền tảng trực tuyến nhắm đến. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo, đã có người ở thành phố Hồ Chí Minh mua tour giá rẻ “Quy Nhơn 3 ngày, 2 đêm chỉ 1,5 triệu đồng/suất” rao trên mạng, tuy nhiên sau khi chuyển tiền theo hướng dẫn, khách hàng bị chặn liên lạc và tài khoản mạng xã hội này cũng biến mất.

Một hình thức lừa đảo khác phổ biến trong dịp Tết là giả mạo ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin thông báo về các gói vay ưu đãi hoặc cập nhật thông tin tín dụng. Sau khi nạn nhân làm theo hướng dẫn là cung cấp căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập… và chuyển tiền để “bảo đảm giao dịch”, đối tượng lừa đảo đã chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Một hình thức lừa đảo khác mới xuất hiện gần đây là tin nhắn giả mạo, yêu cầu thanh toán lệ phí cầu đường còn thiếu, kèm theo đường link hướng dẫn. Để thúc giục nạn nhân, đối tượng đe dọa khoản nợ quá hạn, nếu không nhanh chóng thanh toán, việc đi lại trong dịp Tết sẽ bất tiện, thậm chí có thể bị truy tố. Khi truy cập vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo, với yêu cầu cung cấp số thẻ tín dụng, thời gian hết hạn, mã số bảo mật CVV… để thanh toán. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt thẻ của nạn nhân và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Sát Tết Nguyên đán cũng thường xuất hiện các lời mời gọi, cam kết đổi “tiền mới” với “giá rẻ nhất thị trường”, phí đổi tiền mới khoảng 5-6% giá trị tiền đổi. Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Ngoài ra, các cuộc gọi mời tham gia các hội, nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán, dụ dỗ tham gia đầu tư chứng khoán tiếp tục diễn ra. Đối tượng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link, hoặc cài ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp để chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản rồi ủy thác đầu tư cho các đối tượng…

Báo cáo mới nhất của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong tuần cuối cùng của năm 2024 và tuần đầu của năm 2025, có gần 7.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến gửi về các hệ thống báo cáo, giám sát an toàn không gian mạng.

Những nguyên tắc cần ghi nhớ

Trên thực tế, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp chủ quản dịch vụ đều có cảnh báo về giả mạo dịch vụ tại trang web của đơn vị và trên phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, người dùng cảnh giác với tình trạng giả mạo công ty du lịch uy tín hoặc lập ra công ty “ma” rồi đưa thông tin về các tour du lịch Tết với giá “siêu khuyến mãi”, “siêu hời”. Hình thức này thường đi kèm với yêu cầu thanh toán toàn bộ hoặc một phần chi phí trước khi cung cấp dịch vụ, nhưng không kèm theo hợp đồng rõ ràng hay thông tin minh bạch về đơn vị tổ chức. Vì vậy, người dùng cần xác minh danh tính của doanh nghiệp thông qua trang web chính thức, tổng đài trước khi giao dịch.

Với các dịch vụ ngân hàng, Cục An toàn thông tin lưu ý, các ngân hàng không chủ động gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, hoặc yêu cầu thanh toán tiền. Mọi thông báo của ngân hàng thường được gửi qua email chính thức của ngân hàng hoặc thông qua các kênh bảo mật như ứng dụng ngân hàng. Tương tự, việc thanh toán phí, lệ phí cũng phải thực hiện qua ứng dụng tài chính chính thống. Nếu nhận được tin nhắn hay cuộc gọi với nội dung như trên, người dân cần thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời truy vết đối tượng, ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Dù với bất kỳ hình thức lừa đảo nào, một số nguyên tắc cần ghi nhớ và tuân thủ tuyệt đối để bảo đảm an toàn cho bản thân là không cung cấp thông tin cá nhân (số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP…) qua điện thoại cho người lạ; không chuyển tiền cho người lạ khi chưa kiểm chứng, xác minh; luôn luôn cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận thông tin trên mạng, khi tham gia các hội nhóm, kết bạn trên mạng xã hội…

Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo, người dân không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết hoặc chỉ quen qua mạng xã hội gửi, vì đường link có nguy cơ chứa mã độc, từ đó đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, kiểm soát tài khoản ngân hàng, dẫn đến mất tài sản… Trường hợp phát hiện bị lừa đảo, cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng để khóa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, kịp thời xử lý không để nhiều nạn nhân khác mắc bẫy.

Thời gian qua, việc cơ quan viễn thông, ngân hàng rà soát tài khoản, thuê bao, yêu cầu cập nhật thông tin, thêm quy định xác thực sinh trắc học… đã giúp loại bỏ tài khoản ảo, thuê bao không chính chủ, ngăn chặn việc sử dụng để lừa đảo trên không gian mạng. Do đó, cơ quan viễn thông, ngân hàng cần tiếp tục thực hiện triệt để việc rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.

Cùng với việc thường xuyên cảnh báo, đề cao cảnh giác, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan cần sớm có giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo ứng dụng công nghệ, nhất là cuộc gọi có tính chất xuyên biên giới. Chỉ khi đồng bộ các giải pháp, nạn lừa đảo trên không gian mạng mới có thể bị đẩy lùi.


Bài viết liên quan