bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Điện Biên Phủ là cơn rung chấn thức tỉnh các dân tộc bị áp bức ở Châu Phi

Với các dân tộc bị áp bức ở Châu Phi, chiến thắng Điện Biên Phủ là cơn rung chấn, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của họ. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt các quốc gia ở Châu Phi đã giành được độc lập.

Cách đây 70 năm, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trận quyết chiến cuối cùng giữa quân và dân ta với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, qua bao gian khổ, mất mát và hi sinh, chúng ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội trong thế kỷ 20. Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt các dân tộc thuộc địa trên thế giới đã noi gương Việt Nam, làm theo Việt Nam vùng lên đánh đuổi ách thống trị của đế quốc, thực dân.

Đặc biệt, với các dân tộc bị áp bức ở Châu Phi, Điện Biên Phủ như một cơn rung chấn, làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh của họ. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt các quốc gia ở Châu Phi đã giành được độc lập. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên VOV đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học về nội dung này.

 

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh tư liệu)

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh tư liệu)

PV: Theo ông, trên bình diện quốc tế, nhất là với dân tộc thuộc địa thì Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của dân tộc Việt Nam chúng ta có ý nghĩa như thế nào?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tất yếu do xu thế của trào lưu cách mạng thế giới đưa lại. Đồng thời, theo quy luật phát triển khách quan của lịch sử, chiến thắng của Việt Nam lại tác động đến tiến trình cách mạng thế giới nói chung, đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói riêng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chính sách thực dân của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đồng thời, chiến thắng đó chính là tấm gương, là sự mở màn cho các chiến thắng tiếp theo của nhân dân các nước thuộc địa.

Từ Điện Biên Phủ, nhân dân các nước thuộc địa đã nhìn ra con đường giải phóng của họ. Điện Biên Phủ đã chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, các dân tộc nhược tiểu có thể đánh thắng các nước đế quốc thực dân để giành lại độc lập dân tộc. Với chức năng là đột phá khẩu vào dinh lũy của chủ nghĩa thực dân, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam với đỉnh cao là Điện Biên phủ đã mở đầu quá trình sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, cỗ vũ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc vùng dậy đấu tranh giành quyền độc lập và tự do.

PV: Thống chế Pháp là Đờ Lát đờ Tátxinhi đã phải thú nhận “Nếu để mất Đông Dương, tất yếu sẽ nhanh chóng kéo theo một cuộc vùng dậy ở Bắc Phi”. Sự thật đúng như nhận định của Đờ-lát, khi mà người Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Đúng vậy, có thể hình dung thế này. Hệ thống thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ được tổ chức rất khép kín. Nó giống như là một băng chuyền. Nếu phá vỡ một mắt xích nào đó thì sẽ kéo theo sự sụp đổ của những bộ phận tiếp theo. Cho nên giá trị quốc tế của chiến thắng Điện Biên Phủ được thể hiện rõ nét nhất ở chỗ là, hệ thống thuộc địa hoàn chỉnh của Pháp bị Việt Nam phá vỡ một khâu quan trọng, và tất yếu phản ứng dây chuyền nó sẽ xảy ra. Không chỉ Đờ-lát mà những người khác nữa, đến cả Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ là Đalet vào năm 1953 cũng nói: Mất Đông Dương thì sẽ có phản ứng dây chuyền khắp Viễn Đông và cả Đông Nam Á. Còn Xa-lăng, Tổng Chỉ huy của Quân đội Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương thì nói: Chính vì mất Đông Dương mà nền móng đế quốc Pháp bị sụp đổ. Còn đối với các nước Châu Phi thì họ coi Điện Biên Phủ là tiếng chuông báo giờ chết của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước này, cũng là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến đấu mới để họ tự giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ thực dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

PV: Nhiều nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu quốc tế có chung nhận định cho rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đóng vai trò quan trọng làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa. Và lịch sử đã ghi nhận năm 1960 là “Năm Châu phi” với 17 nước Châu Phi tuyên bố độc lập. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Phải nói rằng, sự kiện năm 1960 ở Châu Phi là một câu chuyện rất dài. Nhưng mà tôi xin phép được nói tóm tắt thế này. Năm 1954, Châu Phi mới có khoảng 720 nghìn cây số vuông với 18 triệu dân dưới nhiều hình thức này hay hình thức khác đã thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Nhưng đến cuối năm 1959 con số đó đã lên tới 37 triệu dân rồi. Năm 1960 thì thực tế mà nói phong trào giải phóng dân tộc của Châu Phi đã trở thành bão táp.

Năm này thì lịch sử gọi là “Năm châu Phi”, là điểm xoáy của cơn bão đó. Trong năm đó có 17 nước Châu Phi tuyên bố độc lập. Ngoài ra, trong năm 1960 thì hàng loạt cuộc biểu tình bãi công chống chế độ thực dân nổ ra tại Nam Phi, Kenya, Uganda…Tandania, Rôđêdia hay còn gọi là Zimbabwe hiện tại. Như vậy, với tấm gương Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam, phong trào giải phóng ở châu Phi bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, châu Phi đã thực sự vùng lên.

PVSau Chiến thắng Điện Biện Phủ, kể cả trước đó, chúng ta đã tiến hành trao trả nhân đạo số tù binh, hàng binh cho các nước Châu Phi. Như vậy, Việt Nam không chỉ là tấm gương về tinh thần kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn là tấm gương, một hình mẫu về tinh thần nhân văn, hòa hiếu. Vì thế mà các nước Châu Phi luôn dành cho chúng ta những tình cảm đặc biệt?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Tôi phải nói thế này, trong chiến tranh của Pháp ở Đông Dương có một số lớn binh lính Bắc Phi và Châu Phi da đen trong đội quân viễn chinh Pháp. Trong 9 năm kháng chiến thì ta đã tiến hành rất nhiều đợt trao trả tù binh, hàng binh. Nhờ có chính sách khoan hồng nhân đạo của Việt Nam thì những tù binh, hàng binh thuộc địa đã bắt đầu giác ngộ khi được trao trả. Nhiều người hứa là sẽ đi theo tấm gương Việt Nam. Việc trao trả tù binh, hàng binh là người châu Phi, thì theo tôi đã được nhân dân các nước này rất biết ơn Việt Nam.

Tại Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ tư tại Bucarest, Rumani, đại biểu Ma-rốc đã nói rằng, rất cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã cho hồi hương 400 tù binh người Ma-rốc. Tôi thấy rằng, chính có sự ảnh hưởng hay tác động của cuộc kháng chiến Việt Nam, mà ngay lúc bấy giờ nhiều cuộc biểu tình chống thực dân Pháp tiến hành chiến tranh Việt Nam đã nổ ra tại một số nước châu Phi. Công nhân các bến cảng ở Bắc Phi đã tẩy chay vận chuyển hàng hóa vũ khí sang Đông Dương, biểu tình chống Pháp bắt lính châu Phi sang Việt Nam.

Và những cuộc đấu tranh vì Việt Nam của giai đoạn này đã trở thành cơ sở nền tảng cho các hành động ủng hộ Việt Nam rất to lớn của nhân dân các nước châu Phi trong thời gian Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

PV: Sự ủng hộ, ngưỡng mộ đó không chỉ là trong thời gian chiến tranh, mà trong hòa bình hiện nay cũng vẫn luôn như vậy?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Một ví dụ thế này về sự ngưỡng mộ của họ đối với Việt Nam. Nó được biểu hiện qua một ví dụ. Năm 1979, khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến đi công tác nước ngoài, đi quá cảnh qua thủ đô Dares Salaam của Tanzania. Trong lúc đó, Tổng thống đất nước này đang đi công tác vắng, nên ông đã cử ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra tận ngoài sân bay để chào xã giao và tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vị Đại tướng huyền thoại, không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của nhân dân các nước.

Trong lúc đấy thì ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tanzania đã phát biểu rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng của Việt Nam mà còn là Đại tướng của nhân dân các nước châu Phi. Chính họ, nhân dân Tanzania rất trân trọng những thắng lợi trong cuộc đấu tranh cũng như trong bảo vệ, xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

PV: Điều mà ông vừa nêu là một ví dụ rất sinh động cho thấy bạn bè quốc tế luôn dành cho Việt Nam chúng ta những tình cảm đặc biệt. Điều này có ý nghĩa như thế nào khi mà chúng ta hội nhập quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ như hiện nay?

PGS, TS. Võ Kim Cương: Điện Biên Phủ đã trở thành một tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc học tập và ngưỡng mộ. Việc tăng cường đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì tôi nghĩ rằng trên nền tảng mình đã có sẵn truyền thống như thế, ngày càng phải nâng lên vang xa hơn, ở tầm mức rộng lớn hơn.

Thế giới nhìn về Việt Nam với lịch sử quá khứ hào hùng đó với một đương đại đầy năng động như hiện nay. Đó là một biểu tượng của sự tin tưởng và sự khẳng định về tương lai tất yếu của các nước vừa và nhỏ trong thế giới ngày nay.

PV: Xin cảm ơn PGS, TS. Võ Kim Cương!

Trường Giang/Phát thanh Quân đội (Thực hiện) – Nguồn : trang Web vov.vn


Bài viết liên quan