bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên

Nhân dịp 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu bài viết Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên của tác giả Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Trung tuần tháng Tám năm 1945, trong những ngày diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Tào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có “cuộc hội ý chớp nhoáng” với Thường vụ Trung ương Đảng. Tại cuộc hội ý này, Người nêu ý kiến: Cần cử một số đồng chí thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh đi kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa từ Bắc vào Nam.

Là cán bộ dày dặn kinh nghệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức quần chúng, đồng chí Hoàng Quốc Việt – một trong bảy Ủy viên Trung ương lâm thời đầu tiên của Đảng được Bác Hồ, Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Việt Minh trao trọng trách đó.

Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2, từ trái sang) với công nhân ngành Xây dựng Hà Nội. Ảnh: TL.

Kết thúc cuộc hội ý, Bác dặn thêm: “Phải thực hiện thật tốt chính sách Việt Minh và cố gắng có mặt ở Nam bộ sớm ngày nào hay ngày ấy”.

Nhận lệnh của Bác, của Trung ương và của Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt lúc đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng cùng đồng chí Cao Hồng Lãnh – một cán bộ cao cấp của Đảng xuất phát ngay khi Đại hội quốc dân còn đang họp. Đoàn đi theo đường Thái Nguyên về Hà Nội bằng đường sông. Thời điểm đó là mùa lũ, nước sông lên to, đoàn vừa đi vừa cứu được một số đồng bào bị lũ cuốn trôi.

Về đến Yên Viên, nhìn lên đường thấy một chiếc ô tô cắm cờ đỏ sao vàng, trên xe có nhiều người đang hồ hởi hát bài “Diệt phát xít” rồi “Chiến sĩ ca” giữa hai bài hát cách mạng là tin: “A lô, lực lượng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo từ bốn giờ chiều hôm nay đã làm chủ Hà Nội. Chính quyền Hà Nội đã hoàn toàn về tay ta”.

Để vào Nam cần có xe. Đồng chí Hoàng Quốc Việt ra hồ Hoàn Kiếm, chứng kiến cảnh hàng ngàn người tràn xuống lòng đường với những khuôn mặt tươi rói, nụ cười hồ hởi, hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Ủy ban Giải phóng dân tộc. Cùng với khung cảnh đó là những đoàn tự vệ vũ trang, tay súng, tay mác có mặt ở khắp mọi nơi.

Đến nhà bưu điện mới thấy một chiếc xe Rơ-nôn phủ đầy bụi đường. Bác lái xe người Nam bộ có cái trán hói ngồi trước vô lăng đang ngủ. Hỏi ra mới biết: Đó là chiếc xe chở chị Nguyễn Thị Thập – đại diện Xứ ủy Nam Kỳ ra dự Quốc dân Đại hội Tân Trào đang chuẩn bị về. Thế là đoàn công tác của Trung ương xin đi nhờ để cùng vào Nam.

Ra khỏi ngoại thành, xe liên tục phải dừng để dân quân tự vệ kiểm soát. Do đoàn có “giấy thông hành” đặc biệt của Tổng bộ Việt Minh cấp nên mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”.

Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 2, tại Hà Nội tháng 2/1961. Ảnh: Tư liệu.

Dọc chiều dài đất nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt gặp được nhiều anh em, đồng chí. Có người mới gặp lần đầu nhưng rất nhiều người là bạn chiến đấu cũ đã từng cùng nhau “sống và chiến đấu” trong các nhà tù của đế quốc, thực dân, đặc biệt là những năm tháng ở nhà tù Côn Đảo – nơi địa ngục trần gian. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, là kêu to những biệt danh đã từng đặt cho nhau trong những ngày gian khổ như: Cuội, Búa, Bò Rừng, Trâu Chọi… Biết bao kỷ niệm vui, buồn được nhắc lại.

Đồng chí Cao Hồng Lãnh đến Đà Nẵng thì hay tin Hội An – quê anh đã thành lập chính quyền cách mạng. Anh em địa phương lên mời anh về dự mít tinh với bà con quê hương, song, nhớ lời Bác Hồ dặn trước lúc ra đi: Phải gấp rút vào Nam sớm ngày nào hay ngày ấy nên anh phải tạm biệt các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà để sáng hôm sau lên đường sớm.

Đến Phú Yên, đoàn công tác phải dừng lại vì một sự việc ít ai ngờ tới. Hồi đó ở một số tỉnh miền Trung có hai tổ chức Việt Minh. Đó là tổ chức Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Việt Minh của… Hồ Chí Minh. Chủ trương cứu nước, Điều lệ giống nhau, các tổ chức cứu quốc ở cấp dưới là một nhưng đến khi giành được chính quyền lại hình thành hai tổ chức và hoạt động độc lập với nhau.

Đoàn công tác của Trung ương đến cũng là lúc hai bên đang tranh cãi quyết liệt. Đồng chí Cao Hồng Lãnh ngồi nghe, không nhịn được cười, vui vẻ giới thiệu với Hội nghị: Đồng chí Hoàng Quốc Việt – đại diện Tổng bộ Việt Minh của cả Nguyễn Ái Quốc lẫn Hồ Chí Minh sẽ nói chuyện với Hội nghị.

Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên
Đồng chí Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Ngô Khiêm.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt mới nói: “Nguyễn Ái Quốc với Hồ Chí Minh là một. Nguyễn Ái Quốc là tên chúng ta đã biết từ trước. Còn Hồ Chí Minh là tên mới của Người có từ ngày Người về nước, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam”.

Thắc mắc lâu nay đã được trả lời. Bất hòa đã được giải tỏa. Cả hai nhóm Việt Minh ôm nhau, vui mừng cảm động, rơi nước mắt.

Một tuần sau, đoàn vào đến Biên Hòa. Vừa nghe bác tài reo: “Đất Nam kỳ rồi” thì xảy ra một chuyện chẳng ngờ. Lúc đó có một nhóm biệt kích Pháp vừa nhảy dù xuống rừng cao su Biên Hòa thì bị quân ta bắt sống. Xe áp giải nhóm biệt kích này vừa lên đường quốc lộ thì gặp xe của đoàn công tác.

Anh em tự vệ giữ xe của đoàn để kiểm tra giấy tờ. Dù đã trình giấy công tác đặc biệt của Tổng bộ Việt Minh, song anh em vẫn không chịu và ra lệnh bắt luôn đoàn phái viên đặc biệt của Trung ương đưa về giam tại khám Chí Hòa.

May thay, cán bộ trại giam nhận ra đồng chí Nguyễn Thị Thập – Bí thư Xứ ủy – lãnh đạo của mình và sự hiểu lầm được giải tỏa.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt kịp dự lễ Độc lập 2/9 ở Sài Gòn.

Thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các cán bộ của 2 Xứ ủy giải quyết hàng loạt những công việc cấp bách. Một trong những việc quan trọng là theo chủ trương của Trung ương, trong tình hình cách mạng còn ở thời kỳ “trứng nước”, cần mời các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ra đảm nhiệm công việc quan trọng của chính quyền để kẻ thù không thể kiếm cớ bóp chết chính quyền non trẻ của chúng ta. Đây là chủ trương đúng song không phải đã sớm được lãnh đạo các địa phương đồng tình.

Nhiều đồng chí trong chúng ta lúc đó cứ đinh ninh rằng: Khi đã giành được chính quyền rồi, người cộng sản phải nắm giữ hết các chức vụ thì cách mạng mới vững chắc. Phải kiên trì giải thích chủ trương của Trung ương, của Bác Hồ, cuối cùng mọi người cũng thông và nhất trí mời luật sư Phạm Văn Bạch ra làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam Bộ với yêu cầu cấp ủy thường xuyên cùng ông điều hành.

Nhiệm vụ “thượng khẩn” của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong dịp Quốc khánh đầu tiên
Đồng chí Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam duyệt số Tạp chí Công đoàn tháng 1/1970 trước khi phát hành. Ảnh: T.L

Tiếp đến là việc giải tán đội “cộng hòa vệ binh”, một tổ chức quân sĩ cách mạng mới được thành lập mô phỏng theo quân đội Anh. Thay vào đó là đội tự vệ cách mạng của Nhân dân với phương châm: “Cơm nhà, áo vợ, việc dân, việc nước”. Rồi bàn và đưa ra những đối sách với quân Anh sắp tràn vào nửa phần phía Nam của đất nước với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, còn thực dân Pháp cũng đã kéo vào lăm le xâm lược nước ta một lần nữa.

Công việc cấp bách số một lúc này là tổ chức ra Côn Đảo để sớm đón anh em tù cộng sản đang nóng lòng từng giờ, từng phút trở về đất liền. Từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa, tù chính trị chúng dồn ra Côn Đảo lên đến hàng nghìn người.

Phải bằng mọi cách đưa các đồng chí mình về sớm ngày nào hay ngày ấy. Đây là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ cán bộ đang rất cần gấp hiện nay. Đây là những đồng chí đã từng được rèn luyện trong một “trường đào tạo” đặc biệt, trong đó rất nhiều đồng chí đã từng là lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Bàn về việc này, có hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất là cố tìm những con tàu thật to, hiện đại treo đèn, kết hoa cùng đoàn nhạc binh ra đón theo nghi thức mà các nước từng làm. Nhưng trong lúc này, lấy đâu ra tàu to, hiện đại?

Ý kiến thứ hai đề xuất vận động Nhân dân mang ghe thuyền của mình ra đón các chiến sĩ từng bị cầm tù ngoài đó. Đấy là cách nhanh nhất và dễ làm nhất.

Tưởng Dân Bảo – một chiến sĩ cộng sản, vốn là một đảng viên Quốc dân đảng được ta giác ngộ đã từng bị bọn thủ lĩnh lưu manh hóa của Quốc dân đảng tuyên án “xử tử” về cái gọi là “phản bội đảng, đi theo cộng sản” xung phong nhận nhiệm vụ và cùng rất nhiều anh em đi ngay về Gò Công và Kiến Phước.

Vài ngày sau, anh em báo về đã có trên ba chục ghe lớn sẵn sàng tham gia. Ngày 16/9 đoàn ghe thuyền kéo cờ, căng buồm ra khơi đưa các đồng chí, đồng đội từ Côn Đảo trở về.

Cách mạng vừa thành công, biết bao việc đang chờ cán bộ. Lực lượng ở Côn Đảo về được phân công nhiệm vụ luôn, nhiều đồng chí gần quê cũng chẳng kịp về nhà thăm vợ con và người thân. Một số đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ.

Tất cả đã sẵn sàng cho một chặng đường nóng bỏng đang chờ đợi ở phía trước.

Nguyễn Túc (tạp chí Lao động và Công đoàn)


Bài viết liên quan