bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Cảnh báo người lao động 4 bẫy lừa đảo trên mạng dịp cuối năm

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đưa ra các hình thức lừa đảo nổi bật tuần từ 21/10 đến 27/10/2024. Công đoàn cũng đã bắt đầu vào cuộc nhằm giúp công nhân lao động phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng thường “nở rộ” vào những tháng cuối năm.

Được biết, trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm, LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận cũng mới phát đi văn bản yêu cầu các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Zalo, Facebook của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết về các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, hướng dẫn đoàn viên, người lao động cài đặt phần mềm phòng, chống lừa đảo “nTrust” để nâng cao tinh thần cảnh giác.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cảnh báo một số hình thức lừa đảo mới nhất.

Thứ nhất, giả mạo ứng dụng ngân hàng chiếm quyền điều khiển thiết bị: Kịch bản lừa đảo của các đối tượng thường là mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Sau đó các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực. Do đó, người dân lao động tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.

Thứ hai, tư vấn sức khoẻ đi kèm lừa đảo: Thủ đoạn chung của các đối tượng trên là tạo lập các Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc. Do đó, tốt nhất nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.

Thứ ba, lừa đảo giả mạo cơ quan an sinh xã hội: Các đối tượng chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn điện thoại hoặc Email, giả mạo là nhân viên Cơ quan an sinh xã hội Úc và tuyên bố rằng nạn nhân đã đủ điều kiện để nhận một khoản tiền trợ cấp. Người dân lao động sẽ được yêu cầu truy cập vào một đường link giả mạo đính kèm trong tin nhắn. Sau khi nhấn vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web với giao diện giống với cổng thông tin chính thống, yêu cầu người truy cập cung cấp các thông tin cá nhân để xác minh danh tính và tiến hành thủ tục nhận tiền. Do đó, người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không thực hiện chuyển tiền khi chưa xác minh được danh tính đối tượng.

Cuối cùng là giả mạo công ty điện lực: Các đối tượng gọi điện tự nhận là nhân viên làm việc tại công ty điện lực, gửi hóa đơn thanh toán trễ hạn bao gồm thông tin và địa chỉ nhà của nạn nhân thông qua Email, yêu cầu truy cập vào đường dẫn để tiến hành các thủ tục thanh toán. Sau khi nạn nhân thực hiện cuộc gọi, các đối tượng sử dụng giọng điệu cấp bách, khẩn trương, nói rằng nguồn điện nơi nạn nhân sinh sống sẽ bị ngắt trong vài giờ tới, yêu cầu nhanh chóng thanh toán khoản nợ. Do đó, người lao động cẩn thận xác minh kỹ thông tin, danh tính của người gửi Email, đơn vị công tác thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn lạ, không thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản đáng ngờ khi chưa xác thực được thông tin.


Bài viết liên quan