bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đóa hoa ngát hương của trường THPT Ngô Quyền

Trịnh Thị Minh Thủy Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Ngô Quyền (Châu Đức) Chúng tôi hay gọi cô là “sư tỉ”, vì “cổ” “cao tuổi” nhất so với hai chị em còn lại trong Tổ. Tôi là đồng nghiệp của cô cũng đã gần 20 năm. Tính cách và năng lực của cô vì vậy cũng rõ mồn một. Cô không phải là giáo viên nổi tiếng dạy giỏi, cũng không phải là người đạt thành tích này kia. Chỉ là giáo viên khá bình thường, cũng mỗi ngày đến trường, âm thầm lặng lẽ như một chiếc lá, một nụ hoa sân trường. Mà kỳ lạ thay, ngôi trường Ngô Quyền vắng bóng cô thì sân trường như thiêu thiếu một điều gì đó.  Ai  học cũng háo hức mong cô đến lớp, ai ra trường, trong nỗi nhớ cái xưa cũ, luôn in đậm dấu ấn về cô giáo Thùy. Thì ra, sự nổi tiếng, trình độ hoặc kỹ năng sư phạm, hoặc bất cứ gì khác mà người giao viên cần không phải là “đỉnh của đỉnh”, “top của top”, mà là tấm lòng. Trong đời thường, tấm lòng quý hơn vàng bạc. Trong môi trường học đường, tấm lòng của người thầy lại càng quý giá hơn.

Nhà giáo Trịnh Thị Minh Thùy

Tôi đã nhiều lần dự giờ “sư tỉ”, thấy cũng không hàn lâm, uyên bác gì, Vì cô có giọng nói truyền cảm. Đó không phải truyền cảm của một người dẫn chương trình, một thuyết trình viên hoặc thậm chí là của một giáo viên văn “chuẩn giọng Bắc”. Cô là người miền Trung, nhưng giảng bằng giọng Nam (có lẽ cô nghĩ giọng Nam có thể làm học sinh dễ nghe, vì đa số học sinh người miền Nam). Tính truyền cảm của cô không tùy vào thanh quản mà tùy vào sắc mặt cùng toàn bộ những biểu hiện lúc giảng văn. Có vẻ như khi giảng bài cho học sinh, cô đang trong cõi mơ của cái Đẹp, của tình người, trong đó có cái tình của người thầy dành cho học sinh. Nghe cô giảng bài, học sinh cũng như đang mơ. Không gian lớp học có khoảng trầm xuống, lắng đọng … Nhưng rồi, cái trầm lặng ấy cũng không kéo dài mãi. Cô trở về với nét sắc sảo của mình. Đôi mắt nhỏ chếch nghiêng, giọng có vẻ lạnh lùng làm học sinh bừng dậy và cùng cô “cắt nghĩa”. Dạy như không dạy, lao động như không lao lao động là tâm lý của những ai yêu nghề. Tôi chưa bao giờ thấy “chị mình” mệt mỏi hoặc ca cẩm việc học sinh quậy phá, lười học. Hình như, trong cô không có học sinh hư, chỉ có học sinh đáng yêu. Cũng dễ hiểu thôi, vì đến với học sinh bằng cả trái tim hiền thì đối với cô không có điều gì là đáng ghét, hoặc đáng sợ, đáng chán,. Sự nổi tiếng của cô không là nụ cười, ánh mắt của học sinh và đồng nghiệp khi đối diện với cô, “bàn”về cô. Học sinh tin yêu cô, chúng tôi cũng tin yêu cô và có lẽ là cả thế giới này tin yêu cô. Nơi cô, chúng ta cảm thấy được yêu thương chân thành. “Giỏi việc nước” của cô là vậy.

Với những nỗ lực công tác và cống hiến, cô Trịnh Thị Như Thùy đã nhiều năm là giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua, đạt danh hiệu “Giỏi việc trường- Đảm việc nhà”, được ngành Giáo dục khen tặng. Trên hết, là niềm yêu thương, quý trọng của phụ huynh, đồng nghiệp, học sinh dành cho cô- một đóa hoa bình dị mà ngát hương.

Là đồng nghiệp, là người em tinh thần của cô, tôi chỉ thấy vậy. Đây không phải là văn bản báo cáo thành tích, cũng chẳng phải là bài thi theo phong trào, mà chỉ là chia sẻ một gương sống Đẹp, đang hiện diện giữa sân trường và cuộc đời. Ở cô Thùy, tôi thấy ánh sao, dù cô không là ngôi sao. Ánh sao ấy không rực rỡ, huy hoàng nhưng có thể khơi nguồn cảm hứng về sự học và lẽ sống

                       Người viết: Mai Sơn Tùng (THPT Ngô Quyền- CĐGD BR-VT)


Bài viết liên quan