bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Các cấp Công đoàn tỉnh BR-VT: Đẩy mạnh tuyên truyền đến CNVCLĐ ý nghĩa, lợi ích việc vắt trữ sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ đối với lao động nữ

Theo Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Tại khoản 5,6 Điều 80 quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ quy định: “Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”; “Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động”.

LĐLĐ tỉnh BR-VT hiện có 8 doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) sử dụng 1.000 lao động nữ trở lên, trong đó có 7 doanh nghiệp lắp đặt 10 phòng vắt trữ sữa mẹ cho người lao động; 01 doanh nghiệp đang có kế hoạch lắp đặt; 04 doanh nghiệp sử dụng chung với phòng y tế công ty. Bên cạnh đó, có 07 doanh nghiệp sử dụng dưới 1.000 lao động nữ có lắp đặt 07 phòng vắt, trữ sữa mẹ cho người lao động.  Như vậy, BR – VT hiện có 18 phòng vắt trữ sữa mẹ đang hoạt động phục vụ cho khoảng 24.000 lao động nữ tại 14 doanh nghiệp.

Những năm qua, các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp thực hiện việc lắp đặt các phòng vắt trữ sữa mẹ cho lao động nữ; tính nhân văn sâu sắc trong việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ cho lao động nữ tại doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến doanh nghiệp, người lao động, lao động nữ, lao động trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích kinh tế của việc nuôi con bằng sữa mẹ, được đại đa số người sử dụng lao động và lao động nữ quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả, ý nghĩa và chưa thu hút được đông đảo lao động nữ tham gia. Do làm việc theo dây chuyền, sản phẩm nên nhiều chị em e ngại trong việc vắt trữ sữa sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản phẩm; Theo quy định, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút, nên họ thường về sớm; một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động về nhà vào buổi trưa, lao động làm việc theo ca; phần đông lao động nữ chủ yếu thuê trọ ở gần công ty để tiện lợi trong việc đi lại, chăm sóc con nhỏ; sự tiện lợi của sữa công thức…

Theo đó, nhằm thực hiện tốt nội dung Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp; ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm đối với lao động nữ, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt trữ sữa mẹ cho lao động nữ; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích thiết thực, lợi ích về kinh tế, sức khỏe đối với việc vắt trữ sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ đối với lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

H.Hải


Bài viết liên quan