bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

 Sáng ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thị Phúc cho biết Ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hầu hết các vấn đề vướng mắc từ thực tiễn và cả những vấn đề mới một cách thận trọng, kỹ lưỡng tại dự thảo Luật.

Góp ý đối với quy định về tư cách của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam tại khoản 3, Điều 6, đại biểu Phúc cho rằng khi đã xác định việc gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ của tổ chức Công đoàn Việt Nam  thì không nên quy định việc phát sinh tư cách là đoàn viên công đoàn. Nội dung chi tiết, nên cân nhắc theo hướng giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định, sẽ phù hợp hơn so với cách quy định hiện nay tại dự thảo Luật.

anh tin bai

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp

Nhấn mạnh sự cần thiết về quy định về hợp tác quốc tế của Công đoàn tại khoản 1, Điều 9, song đại biểu Phúc cho biết các nội dung này đang quy định theo hướng chung chung, chưa rõ chủ thể và dự thảo các nội dung có nhiều định hướng, nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại mang tính quốc gia. Do đó,  đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét sửa nội dung tại khoản 1 theo hướng khúc chiếc lại nguyên tắc hợp tác quốc tế về công đoàn, lược bỏ một số cụm từ mang tính quan hệ đối ngoại nhà nước, như “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc”, “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”; vì những nội dung này đã được quy định cụ thể trong đường lối, chủ trương của Đảng ta về công tác đối ngoại; đồng thời đại biểu Phúc đề nghị cần bổ sung nội dung hoạt động hợp tác quốc tế về công đoàn phải phù hợp với “đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng” vào khoản 2 Điều 9 vì đại biểu cho đây là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động tại Điều 11, đại biểu Phúc xác định các quy định tại điều này đang được thiết kế theo hướng liệt kê vai trò, các nhiệm vụ của công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động nhưng chưa thực sự logic. Theo đại biểu, song song với Luật Công Đoàn còn có Bộ luật Lao động cũng điều chỉnh cụ thể những vấn đề mà Điều 11 dự thảo Luật đặt ra, như: Tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể; tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích…. Đại biểu Phúc xác định mỗi loại tranh chấp đều được Bộ luật Lao động quy định chủ thể có thẩm quyền để giải quyết khác nhau tại Điều 191, Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, đại biểu Phúc đề nghị nếu cần quy định tại Luật Công Đoàn thì phải rà soát, điều chỉnh đảm bảo tương thích Bộ luật Lao động và các luật có liên quan.

Nhấn mạnh nội dung về “đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện ra Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm” tại khoản 3 Điều 11, đại biểu Phúc cho biết quy đinh này là rất rộng và thực tiễn trong thời gian qua Công Đoàn gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ này, vì theo quy định của pháp luật, tổ chức Công đoàn không được quyền đương nhiên khởi kiện khi quyền lợi người lao động bị xâm hại mà phải được người lao động uỷ quyền theo quy định của pháp luật, rất tốn thời gian và chi phí đi lại của người lao động vì thế Công đoàn không đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo Điều 10 của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Phúc dẫn chứng thực tế chưa có vụ án lao động nào công đoàn đương nhiên khởi kiện để đòi quyền lợi, lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho người lao động… mà từng người lao động phải uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn, thì Công đoàn mới thực hiện được quyền khởi kiện. Đại biểu Phúc chia sẻ, nếu doanh nghiệp có 3.000 lao động mà người sử dụng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH thì phải có 3.000 người lao động ra công chứng uỷ quyền theo quy định của pháp luật cho tổ chưc công đoàn khởi kiện, toà án phải xử 3.000 vụ, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành 3.000 bản án là điều rất bất cập.

Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi nội dung này theo hướng tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại, đồng thời sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật Việc làm, khi đó mới đảm bảo để tổ chức Công đoàn thực hiện khởi kiện cho người lao động, đồng thời đại biểu Phúc đề nghị cần rà soát, sắp xếp lại các khoản tại Điều này đảm bảo tính hợp lý hơn trong quy định các nhiệm vụ của Công đoàn về đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Cuối phiên thảo luận,Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

 

Nguồn: Châu Vũ(Trang tin HĐND tỉnh)


Bài viết liên quan