bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên trên không gian mạng

Ngày 29/5/2024, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh có Công văn số 16/BCĐ(TTr.BCĐ), về việc thông tin phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên trên không gian mạng.

Ảnh sưu tầm

Theo Công an tỉnh BRVT đánh giá. Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Mặc dù các Cơ quan chức năng đã thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng bằng nhiều hình thức để người dân chủ động nâng cao cảnh giác. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ, phức tạp của mạng Internet, mạng xã hội, mạng viễn thông như hiện nay thì các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liên tục thay đổi phương thức nhằm đối phó cơ quan chức năng.

 

Ngày 18/12/2023, Ngân hàng nhà nước Việt nam đã ban hành Quyết định Số 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, trong đó áp dụng hình thức xác thực bằng sinh trắc học đối với hạn mức giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng và có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/7/2024.

Trước quy định trên, các đối tượng phạm tội đã nhanh chóng thay đổi phương thức thủ đoạn bằng cách: tuyển mộ, chiêu dụ người mở tài khoản rồi “nuôi nhốt”, ăn ở tại chỗ để xác thực tài khoản. Đáng chú ý là hiện nay các đối tượng đã thay đổi mục tiêu tiếp cận từ những người dân ở những vùng kinh tế khó khăn, kém phát triển sang trẻ vị thành niên từ đủ 14 tuổi, đã được cấp CCCD, là học sinh thuộc các trường THCS, THPT để lôi kéo mở tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo đó, các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ trẻ vị thành niên từ đủ 14 tuổi để mở tài khoản ngân hàng và yêu cầu chụp ảnh, quay phim khuôn mặt nhằm mục đích thu thập dữ liệu sinh trắc học để xác thực khi cần thiết; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để vượt qua hàng rào bảo mật ngân hàng; lập doanh nghiệp “ma” để đăng ký mở tài khoản ngân hàng phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật; dụ dỗ, lôi kéo, đưa người ra nước ngoài hoạt động lừa đảo, sử dụng tài khoản chính chủ để nhận tiễn, mua “tiền ảo” nhằm mục đích dịch chuyển dòng tiền đã chiếm đoạt từ hoạt động lừa đảo.

Như vậy có thể thấy mặc dù các đối tượng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn nhưng đều có điểm chung đó là: Sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận, chuyển tiền vi phạm pháp luật.

Trước tình hình trên nhằm giúp cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo lợi dụng không giam mạng, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu, các cấp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế, bằng hình thức phù hợp của đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, CNVCLĐ để phòng ngừa, tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn; thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động an sinh xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên biết, cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm và không tham gia các hội nhóm này.

  Đoàn Tấn


Bài viết liên quan