bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được Công đoàn tập trung cao nhất trong nhiệm kỳ mới

(LĐTĐ) Nhiệm kỳ 2023 – 2028, tổ chức Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá. Trong đó, đối thoại, thương lượng tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc là nội dung Công đoàn tập trung cao nhất.

Thời gian qua, chế độ lương, thưởng là vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm. Đây cũng là nội dung mà tổ chức Công đoàn “bền bỉ” theo đuổi để đảm bảo hơn nữa quyền lợi và nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động.

Cũng chính vì vậy, nhiệm kỳ 2018 – 2023, thành tích thương lượng tiền lương nổi bật trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động mà các cấp Công đoàn triển khai. Công đoàn Việt Nam là một trong ba bên tham gia đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia mỗi kỳ.

Trong 5 năm qua, Công đoàn đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34% và Hội đồng tiền lương quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng là 23,3%. Con số này là minh chứng nỗ lực Công đoàn nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được Công đoàn tập trung cao nhất trong nhiệm kỳ mới
Công nhân lao động mong muốn chế độ lương, thưởng đảm bảo ổn định đời sống.

Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã ký mới 15.832 bản Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản; có 22 bản Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.

Nhờ Thỏa ước lao động tập thể tốt, quan hệ lao động ở doanh nghiệp hài hoà hơn và đình công giảm hẳn, lương thưởng, việc làm của người lao động được đảm bảo. Tổ chức Công đoàn đã nỗ lực kìm giảm 55% các cuộc ngừng việc tập thể, từ 1.619 cuộc giai đoạn 2013 – 2018 xuống 724 cuộc, giữ quan hệ lao động hài hòa.

Trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động, tác động tới mọi mặt đời sống lao động, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam lựa chọn 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ, gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Cũng trong thời gian Đại hội, hơn 1.000 đại biểu chia thành 10 diễn đàn, thảo luận, chia sẻ về nội dung thúc đẩy đối thoại, thương lượng Thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; đảm bảo an ninh trong công nhân; xây dựng mô hình tự quản trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp…

“Người lao động khi đi làm thì phải có lương đảm bảo cuộc sống”, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh như vậy khi làm rõ hơn về các khâu đột phá.

Đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được Công đoàn tập trung cao nhất trong nhiệm kỳ mới
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được tổ chức Công đoàn tập trung cao nhất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí: Trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn sẽ phát huy kết quả của nhiệm kỳ trước như thế nào, đề xuất mức tăng lương tối thiểu bao nhiêu phần trăm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, cách đây 4 tháng, tại phiên thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ Việt Nam – đại diện người lao động đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5%.

Thời gian tới, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bao nhiêu, sẽ được Công đoàn xem xét, thống nhất, bàn bạc sau. Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội, “sức khỏe” của doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau.

Nội dung này tiếp tục được đại diện người lao động đánh giá kỹ hơn bức tranh về kinh tế, đặc biệt “sức khỏe” của doanh nghiệp để có đề xuất phù hợp trong những phiên đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, đối thoại, thương lượng về tiền lương sẽ được tổ chức Công đoàn tập trung cao nhất.

Để làm được nhiệm vụ trên, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ Công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng thương lượng. Bên cạnh đó, trong việc tham gia xây dựng chính sách, quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu hiện nay, cụ thể là việc xác định vùng áp dụng lương tối thiểu.

Sau quá trình thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phối hợp với Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp.

Sau thành công của Đại hội, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (LĐLĐ thành phố Hà Nội) bày tỏ kỳ vọng, các khâu đột phá Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam lựa chọn sẽ là cơ sở để người sử dụng lao động và Công đoàn cùng chăm lo cho người lao động có cuộc sống tốt hơn, công ty phát triển bền vững, quan hệ lao động hài hoà.

“Từ thực tế tại doanh nghiệp tôi thấy hiện nay đời sống, thu nhập của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn khiến họ không có tâm tư gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy chế độ về lương, thưởng vẫn là yếu tố cốt lõi. Nhiệm kỳ mới, tôi rất vui mừng khi chế độ tiền lương, thời giờ làm việc của công nhân lao động được quan tâm”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng chia sẻ thêm, ngay sau Đại hội, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cũng sẽ chấp hành hướng dẫn của Công đoàn cấp trên để nhanh chóng tiến hành xây dựng thang bảng lương; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động với những điều khoản mang lại lợi ích cho người lao động.

Nguồn: Nhóm PV – Báo Lao động Thủ Đô

Bài viết liên quan