bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Gian truân đòi lại quyền lợi, lẽ phải cho chồng

Chị Nguyễn Thị Lệ Khanh trải lòng với những gian truân đi “đòi lại lẽ phải” cho chồng: “Nếu đến với công đoàn sớm hơn, tôi sẽ giữ lại được việc làm cho mình”
Nếu đến với Công đoàn sớm hơn, tôi sẽ giữ lại được việc làm cho mình
Mặc dù sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn nhưng anh Hiếu chia sẻ công việc nhà để chị Khanh tiếp tục đồng hành với công đoàn đòi lại quyền lợi cho mình. Ảnh: NVCC

Trong câu chuyện với chúng tôi sau ngày Tòa án Nhân dân (TAND) thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) xét xử anh Lưu Chí Hiếu thắng kiện, chị Nguyễn Thị Lệ Khanh, vợ anh Hiếu trải lòng với những gian truân đi “đòi lại lẽ phải” cho chồng; chị cũng lắng lại, ngậm ngùi rằng: “Nếu đến với công đoàn sớm hơn, tôi sẽ giữ lại được việc làm cho mình”.

Gian truân đòi lại lẽ phải cho chồng

Như đã hẹn trước, chúng tôi đến phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gặp vợ chồng anh Lưu Chí Hiếu, người vừa được Hội đồng xét xử TAND thị xã Phú Mỹ tuyên thắng kiện trong vụ án tranh chấp lao động hôm 18/10 vừa qua.

Khi nhận ra chúng tôi, chị Lệ Khanh, vợ anh Hiếu vội vã bưng ly cà phê mới pha chế đến bàn bên cho khách rồi trở lại với ánh mắt rạng rỡ. Mời chúng tôi ly nước, chị Khanh vào nhà trong dìu anh Hiếu ra ngồi cùng, còn mình thì trở ra quầy pha chế tiếp tục công việc phục vụ khách hàng.

Chờ cho khách uống cà phê buổi sáng vãn dần, tạm gác công việc ở quán, chị Khanh trở lại bàn. Chúng tôi cùng chị Khanh dìu anh Hiếu trở về phòng nghỉ ngơi. Anh không thể ngồi quá lâu sau cơn bạo bệnh. Lúc này, chị Khanh mới dành trọn thời gian để trải lòng với chúng tôi.

Trước đây anh Hiếu là kỹ thuật viên vận hành, làm việc tại Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ. Chị Khanh công tác tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thu nhập của hai vợ chồng cũng khá cao và ổn định nên ngoài trang trải cuộc sống còn tích lũy được chút ít. Anh chị cũng cất được ngôi nhà khá khang trang, dù rằng sau khi hoàn thiện công trình anh chị còn vay mượn tới hơn 800 triệu đồng. Vợ chồng anh chị bảo nhau lên kế hoạch cố gắng tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để trả nợ dần.

Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập đến với gia đình, khi ngày 3/6/2021 anh Hiếu bị đột quỵ khi đang làm việc tại Công ty, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa rồi Bệnh viện 115 (TP.HCM). Ngày 8/6/2021 đón chồng xuất viện về điều trị tại địa phương trong tình trạng liệt nửa người, mọi sinh hoạt phải có người chăm sóc; cả bầu trời như sập ngay trước mắt chị Khanh…

Nhìn 3 đứa con thơ dại, đứa lớn học lớp 10, đứa sau học lớp 5, còn đứa nhỏ mới 4 tuổi và người chồng đau ốm, chị gắng gượng, giấu hai dòng lệ, cứng rắn để làm chỗ dựa tinh thần cho chồng và các con. Chị tự nhủ, từ nay chị sẽ thay chồng làm trụ cột của gia đình.

Uống một ngụm nước như để nén vào lòng những nỗi niềm riêng khi nhắc lại chuyện buồn, chị Khanh tiếp tục kể về khúc trầm sâu thẳm trong cuộc đời mình.

Rằng khi đó, một mình chị xoay xở với bộn bề công việc, vừa tham gia việc chuyên môn ở cơ quan, vừa chăm sóc, đưa đón các con nhỏ đi học. Thương anh Hiếu một mình trong lúc điều trị bệnh, chị quyết định thuê người chăm sóc riêng cho anh. Chị nhẩm tính, tiền lương của chị sẽ tằn tiện để lo cho 4 mẹ con, tiền lương của anh Hiếu hưởng theo chế độ tai nạn lao động chị dành lo viện phí, thuốc men và trả công cho người chăm sóc anh cũng tạm ổn, còn nợ nần thì xin khất lại đợi khi anh bình phục rồi vợ chồng sẽ xoay xở trả dần.

Cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng rồi cũng trôi qua. Hằng này, nhìn bệnh tình của chồng có chuyển biến tích cực, anh Hiếu cũng chập chững đặt được những bước chân lên sàn nhà dù còn phải nhờ sự trợ giúp của người khác. Anh cũng nói chuyện được dù giọng nói chưa tròn. Bằng đó thôi, cũng đủ để người vợ như chị mừng đến rơi nước mắt, đó cũng là động lực lớn lao để chị vững tin bước tiếp con đường mình đã chọn. Chị Khanh chỉ mong anh Hiếu nhanh bình phục để con đường chị đang đi được rút ngắn, gia đình sớm trở lại cuộc sống bình yên như trước đây.

Niềm vui mừng của chị Khanh chưa được bao lâu thì “tiếng sét đánh ngang tai” bởi phía Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Hiếu kể từ ngày 8/6/2022 kèm theo số tiền bồi thường cho thời hạn báo trước là “45 ngày lương và phụ cấp 75.347.507 đồng”. Chiếc gánh trên vai chị vốn đã quá nặng từ hơn 1 năm qua giờ tăng lên gấp bội, cả về vật chất lẫn tinh thần, bởi từ đây không còn tiền lương, thu nhập của anh Hiếu từ phía Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3.

Là người công tác trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, chị Khanh cũng phần nào am hiểu pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động nên chị dành thời gian nghiên cứu các quy định pháp luật, tham khảo đồng nghiệp, cấp trên… để gõ cửa nhiều nơi, đòi lại lẽ phải cho chồng mình.

Chị Khanh cũng không nhớ hết mình đã bao nhiêu lần gọi điện thoại, gửi email, gửi đơn thư hay đến trực tiếp các cơ quan, đơn vị như: Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3; Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội… nhưng đều không có kết quả.

Nơi thì cho là anh Hiếu bị tai nạn do bệnh lý, không phải tai nạn lao động; nơi khác bảo hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý; nơi kia nói không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm; có nơi thì “bặt âm vô tín”.

Nếu đến với Công đoàn sớm hơn, tôi sẽ giữ lại được việc làm cho mình
Cán bộ Công đoàn giúp đỡ vợ chồng anh Hiếu như giúp đỡ người thân của mình. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM

Như người sắp chết đuối vớ được phao

Mệt mỏi và bất lực, chị gửi đơn khởi kiện Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đến TAND thị xã Phú Mỹ. Song song đó chị tìm đến sự trợ giúp của giới luật sư, nhưng không biết vì lý do gì lần lượt cả 3 văn phòng luật sư “có tiếng” ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận hồ sơ nghiên cứu sau đó ít ngày đều mời chị đến trả lại hồ sơ.

Khi ấy, may sao vẫn còn một văn phòng luật sư đã đồng ý và ký hợp đồng nhận ủy quyền tham gia giải quyết vụ việc cho anh Hiếu. Nhưng thật buồn, chỉ trước khi mở phiên tòa 15 ngày thì luật sư mà chị Khanh trông cậy, gửi gắm lại bị đột quỵ, chị phải chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Kể đến đây, có lẽ không cầm lòng được, chị Khanh lấy khăn chấm giọt nước mắt lăn trên gò má, chị sụt sùi: “Khi ấy, tôi mất hết phương hướng, mất luôn cả niềm tin ở một số cơ quan, đơn vị”.

Sau thời gian “lao tâm khổ tứ”, chị Khanh đã giấu chồng để rao bán căn nhà trên Facebook, ngôi nhà mà anh chị đã dày công tạo dựng. Chị nghĩ, con đường đòi lẽ phải, quyền lợi cho anh Hiếu đến đây đã đi vào tận cùng ngõ cụt, chỉ còn cách này mới có tiền chạy chữa cho chồng và trả món nợ vay để xây cất ngôi nhà.

Dừng câu chuyện, hít một hơi thật sâu, hướng nhìn về nơi xa thẳm như bỏ lại hết những gian truân đã trải qua, chị Khanh kể tiếp, đúng lúc rơi vào tuyệt vọng nhất chị đã chấp nhận “bỏ cuộc”. Chị xác định, đến ngày ra tòa, hiểu biết sao thì sẽ nói vậy, có tài liệu nào thì trình cho Hội đồng xét xử tài liệu đó, kết quả sao thì cũng an phận. May sao có người bạn thân chị Khanh thương tình bảo: “Sao không đến nhờ công đoàn hỗ trợ”.

Chị Khanh bảo rằng, thực lòng khi đó chị cũng chưa tin công đoàn có thể giúp chị giải quyết vụ việc này. Trước đó chị cũng có nghe qua thông tin LĐLĐ tỉnh đứng ra đại diện cho người lao động tại tòa án. Xác định “có bệnh thì vái tứ phương”, “còn nước còn tát”, chị Khanh gửi đơn yêu cầu đến LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước ngày mở phiên tòa chưa đầy hai tuần.

“Điều mà tôi bất ngờ là khi gửi đơn yêu cầu hôm trước thì ngay hôm sau được anh Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu điện thoại mời đến để hỏi han về vụ việc và tư vấn, hướng dẫn viết lại đơn khởi kiện cho phù hợp. Càng ngỡ ngàng hơn khi trước đó tôi và anh ấy chưa từng biết hay gặp mặt nhau nhưng anh Ngạn giúp đỡ như người thân trong gia đình. Anh đưa ra những phân tích, nhận định, và cùng gia đình tôi thu thập chứng cứ, củng cố thêm hồ sơ, tài liệu, chuẩn bị các phương án, trình tự trình bày trước phiên tòa,…”.

Chị Khanh xúc động kể tiếp: “Tôi càng bất ngờ hơn khi chứng kiến phong thái, khẩu khí của anh Ngạn tranh luận trước tòa. Sự am hiểu pháp luật, tận tình, trách nhiệm của anh Ngạn đã tiếp thêm động lực, mang lại niềm tin ở pháp luật mà tôi đã vô tình bị lấy đi mất từ bấy lâu nay. Cũng chính nhờ vậy mà vợ chồng tôi đã đồng hành với anh ấy trong suốt thời gian diễn ra 3 phiên tòa để tìm lại được lẽ phải. Với gia đình tôi thì đây là một “giấc mơ”. Thắng kiện lần này là điều mà anh Ngạn đã dự đoán trước đó. Gặp được người đại diện của tổ chức Công đoàn, gặp được anh Nguyễn Trung Ngạn, chúng tôi như người sắp chết đuối vớ được phao”.

Nếu đến với Công đoàn sớm hơn, tôi sẽ giữ lại được việc làm cho mình
Hiện sức khỏe anh Lưu Chí Hiếu đã dần ổn định, có thể tự đi lại và tự phục vụ bản thân. Ảnh: NVCC

“Nếu đến với công đoàn sớm hơn, khả năng tôi sẽ giữ lại được việc làm”

Câu chuyện với chị Khanh bị gián đoạn vì chị có vài cuộc điện thoại và khách hàng vào uống cà phê. Trở lại với khuôn mặt rạng rỡ, chị Khanh phấn khởi cho biết, từ hôm ở phiên tòa về đến nay, có khá nhiều khách mới tìm đến quán cà phê của chị. Những khách này không đến để thưởng thức đồ uống giải khát mà chủ yếu là hỏi thăm về câu chuyện khởi kiện của chị. Trong câu chuyện họ có hỏi về sự giúp đỡ của cán bộ công đoàn.

Theo chị Khanh, có những người chị chưa từng biết cũng gọi điện thoại chúc mừng, hỏi han. Nhiều người cũng quan tâm hỏi thăm và động viên gia đình chị tiếp tục cùng anh Ngạn giải quyết dứt điểm vụ việc để anh Hiếu được công nhận tai nạn lao động, được bồi thường và hưởng chế độ, chính sách theo pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

“Không ít người còn hỏi về chi phí khi nhờ công đoàn giúp đỡ trong vụ việc này…, tôi trả lời rất thực rằng không hề mất đồng chi phí nào nhưng có người còn không tin. Khi ấy tôi chỉ biết cười và nói thêm, nhà tôi bán quán cà phê nhưng cũng chưa mời được anh Ngạn lấy một ly”, chị Khanh chia sẻ.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì quan trọng chưa kể cho chúng tôi nghe, chị Khanh dừng lại vài giây, giọng trầm xuống, chị bảo rằng việc chị mở quán cà phê tại nhà này cũng là từ vụ việc tai nạn lao động của chồng. Vào lúc phía Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Hiếu, chị suy sụp, vừa là vì danh dự của chồng, vừa là mất nguồn tài chính điều trị bệnh cho anh Hiếu.

Đắn đo suy nghĩ lắm, chị đành lựa chọn xin thôi việc ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để ở nhà có thời gian chăm sóc chồng, lo đưa đón 3 con nhỏ ăn học và đi gõ cửa các nơi đòi quyền lợi cho anh Hiếu. Quán cà phê của chị ra đời là vì vậy, cũng từ khi đó chị đã để tuột khỏi tầm tay mình công việc mà chị yêu thích, gắn bó hơn 13 năm trời.

“Đến bây giờ khi vụ việc của anh Hiếu đã được sáng tỏ, nhưng tôi thật sự nuối tiếc vì ngày ấy có lúc tôi đã có những suy nghĩ chưa hoàn toàn đúng về tổ chức Công đoàn. Phải chăng trong vụ việc này, khi chồng tôi phải nghỉ ở nhà điều trị bệnh, rồi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng thì đáng lẽ ra tôi phải là người mang tâm tư, nguyện vọng của anh ấy đến với công đoàn. Phải chăng khi ấy nhìn nhận đúng và đến với công đoàn sớm hơn, thì chắc chắn tôi sẽ đủ niềm tin, vững vàng hơn trong giải quyết vụ việc và sẽ giữ lại được việc làm cho mình”, chị Khanh nuối tiếc.

Đến đây, như giãi bày hết được những suy nghĩ của mình từ bấy lâu, chị Khanh tươi cười cảm ơn chúng tôi đã giúp chị chia sẻ câu chuyện của gia đình chị đến với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn. Chị hy vọng, qua câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm nghị lực cho người lao động và cán bộ công đoàn. Mong rằng cán bộ công đoàn cùng đồng hành với người lao động, doanh nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động, giải quyết những tình huống phát sinh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Chị Khanh cũng không quên vui vẻ mời chúng tôi nán lại dùng bữa cơm trưa cùng gia đình vì hôm nay là ngày các con chị được nghỉ học, cả gia đình sẽ sum họp đầm ấm bên mâm cơm trưa.

Chia tay gia đình anh Hiếu, chị Khanh, chúng tôi thầm chúc và tin tưởng rằng từ đây, những bữa cơm sum họp gia đình của anh chị sẽ luôn đầy ắp niềm vui, hạnh phúc như lúc trước, khi gia đình chưa gặp sóng gió.

Thời gian tới đây, dù cho anh Hiếu sẽ chuyển làm công việc khác phù hợp với tình trạng sức khỏe, và dù cho chị Khanh đã đánh đổi đi công việc làm yêu thích của mình thì bên cạnh anh chị vẫn luôn có sự đồng hành của tổ chức Công đoàn, của những người cán bộ công đoàn có năng lực, sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động như anh Nguyễn Trung Ngạn.

Nguồn: Đoàn Lâm (Báo Người Lao động)


Bài viết liên quan