bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Liên đoàn Lao động huyện Châu Đức: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nữ công trong tình hình mới

Những năm qua, công tác nữ công tại các công đoàn cơ sở huyện Châu Đức ngày càng khẳng định được vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Tính đến nay, toàn huyện hiện có 4.877 nữ CNVCLĐ, chiếm tỉ lệ 66% trên tổng số CNVCLĐ của huyện. Đây là lực lượng lao động đông đảo, luôn tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong các phong trào nữ công của công đoàn nói riêng và phong trào phụ nữ của huyện. Xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu thực tế của nữ CNVCLĐ, các CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện đã luôn sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nữ công, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới do các cấp công đoàn tổ chức. Đến nay, có 89 Ban nữ công quần chúng được thành lập tại các CĐCS đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 100% (trong đó khối doanh nghiệp có 12 Ban nữ công) với 279 ủy viên.

LĐLĐ huyện Châu Đức trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền đến nữ CNVCLĐ nhằm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt những nội dung liên quan đến lao động nữ và trẻ em, những chuẩn mực đạo đức của Phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước; vai trò của người Phụ nữ trong xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước – đảm việc nhà” đã được cụ thể hóa thành những nội dung, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, ngành nghề, gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến đã được biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời, trên cơ sở đó nhân rộng, tạo đà cho phong trào ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, qua đó, hàng năm gần 85% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

LĐLĐ huyện tổ chức Hội thao Tháng Công nhân năm 2023

Công tác bảo vệ và chăm lo cho lao động nữ được triển khai thường xuyên. Cùng với đó, các CĐCS đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan liên quan tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, kiến nghị và giải quyết những trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chính sách với lao động nữ; đề nghị với đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tới đời sống, việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ, đồng thời tạo điều kiện cho lao động nữ được học tập, nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ cho nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp vốn xoay vòng không tính lãi… giúp chị em giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó “Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh đã tạo được nguồn vốn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Các hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ luôn được quan tâm như vận động Quỹ học bổng Nguyễn Đức Cảnh, trong 5 năm qua, từ năm 2018-2023, đã trao 1.269 suất học bổng với tổng số tiền là 761.400.000đ, trao 725 suất quà tết Trung thu trị giá 176.570.000đ.  Nhân dịp 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em hằng năm tổ chức hoạt động hè cho các cháu như tham quan nhà Tuyết (tại TP Hồ Chí Minh), Suối Mơ ( Đồng Nai), Hồ Mây (Vũng Tàu), Eco Tân Hưng (Bà Rịa)…

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Châu Đức cho biết, kết quả là vậy, song hoạt động nữ công tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ chính sách đối với lao động nữ ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đúng quy định của pháp luật; thu nhập vẫn còn thấp so với mặt bằng sinh hoạt chung. Giá cả các mặt hàng thiết yếu biến động và tăng nhanh nên thu nhập thực không đáp ứng nhu cầu cuộc sống; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, đơn hàng giảm nên xảy ra thiếu việc làm, thu nhập một bộ phận người lao động bị giảm sút; thiếu nhà ở hoặc phòng ở chật hẹp và các phương tiện thiết yếu phục vụ cuộc sống thấp; nhà trẻ mẫu giáo, khu vui chơi giải trí, tình trạng hôn nhân và gia đình tỷ lệ ly hôn tăng cao… Từ thực tiễn đó đòi hỏi các CĐCS phải có những hoạt động thiết thực nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đổi mới hoạt động công tác nữ công; tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác vận động phụ nữ của Đảng trong tình hình mới như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; Nghị quyết số 06b/NQ-TLĐ, ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về “Công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Lao động 2019; Chủ động phối hợp thực hiện và tham gia thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động Công đoàn. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nữ CNLĐ ở các doanh nghiệp đặc biệt kỹ năng ứng xử và ứng phó với tình huống mới, tự bảo vệ mình; Các CĐCS phối hợp với chính quyền, các chủ doanh nghiệp chăm lo tạo đủ việc làm, bảo đảm thu nhập cho lao động nữ; quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của nữ CNVCLĐ, đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời, bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ; tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy năng lực và sở trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, phát hiện, kiến nghị để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động nữ CNVCLĐ trên các trang mạng xã hội; lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của các đối tượng nữ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống và cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, vận động nữ CNVCLĐ thực hiện đúng công tác dân số và phát triển, tích cực phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn về làm mẹ an toàn, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình… nơi có đông lao động nữ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.

Hoàng Hải


Bài viết liên quan