bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

người lao động đã làm việc 07 năm nhưng công ty không ký hợp đồng lao động và không tham gia bảo hiểm xã hội

Vừa qua LĐLĐ tỉnh có nhận được thư hỏi của người lao động có nội dung như sau: người lao động đã làm việc tại công ty từ năm 2012 cho đến nay đã đủ 07 năm nhưng công ty không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và người lao động đã làm đơn gửi công ty để xin đóng BHXH nhưng công ty không giải quyết. Nội dung người lao động hỏi, Liên đoàn Lao động tỉnh trao đổi như sau:

1. Về giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Tại Điều 18 Bộ luật Lao động quy định “trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động” và hình thức của hợp đồng được Bộ luật Lao động quy định tại Điều 16 đó là HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản; đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Theo quy định của Bộ luật lao động thì Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ mỗi bên trong quan hệ lao động.

Như vậy pháp luật lao động quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ trước khi nhận người lao động vào làm việc, trên cơ sở đó hai bên có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện những nội dung đã giao kết trong hợp đồng lao động như: công việc phải làm, tiền lương, thời hạn của hợp đồng…. Đối với trường hợp người lao động đã làm việc liên tục tại công ty từ năm 2012 đến nay thì việc công ty chưa giao kết HĐLĐ với người lao động là chưa đúng với quy định của pháp luật lao động và hành vi không giao kết hợp đồng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 1- Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.

2. Về tham gia bảo hiểm xã hội

Khoản 1 – Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; c) Cán bộ, công chức, viên chức…..”; đồng thời Luật bảo hiểm xã hội củng quy định trách nhiệm của người sử dụng là đóng bảo hiểm xã hội theo quy định cho người lao động tại Khoản 1 – Điều 18.

Tại Điểm a – Khoản 1 – Điều 99 Luật bảo hiểm xã hội quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội để đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho người lao động. Và pháp luật lao động quy định trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội của cả người sử dụng lao động và người lao động tại Khoản 1-Điều 186 Bộ luật Lao động “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”.

Người lao động đã làm việc tại công ty từ năm 2012 cho đến nay đã đủ 07 năm nhưng công ty không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là chưa đúng quy định pháp luật BHXH và pháp luật lao động.

Đối chiếu với các quy định như trên thì có thể thấy rằng pháp luật lao động quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động và tuân theo các nội dung trong hợp đồng lao động được quy định, đồng thời sau 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu của người lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi cho Công ty bạn trong đó nêu rõ những nội dung mà bạn cần khiếu nại. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại của bạn mà công ty vẫn không giải quyết thì bạn sẽ làm đơn khiếu nại gửi Chánh thanh tra Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh hoặc gửi đơn đến hòa giải viên lao động nơi công ty bạn đặt trụ sở để yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động.


Bài viết liên quan