bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Diễn đàn là dịp để đại diện các công đoàn thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân, qua đó có kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới

Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020 đã chỉ rõ: công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam gắn liền với chặng đường hơn 94 năm xây dựng và trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, góp phần nâng cao vị thế tổ chức Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế.

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực TLĐ phát biểu tại diễn đàn.
Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực TLĐ phát biểu tại diễn đàn.

Nhiệm kỳ 2018-2023, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ truyền thống lịch sử của giai cấp công nhân và giá trị bền vững của tổ chức Công đoàn Việt Nam được tổ chức Công đoàn Việt Nam khẳng định và chỉ rõ trong văn kiện, nghị quyết của Ðại hội. Chương trình số 01/CTr-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023” (sau đây gọi tắt là Chương trình 01) xác định mục tiêu quảng bá hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng lao động, của các tổ chức công đoàn quốc tế và đối tác quốc tế đối với Công đoàn Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung trọng tâm mà Chương trình số 01 đề ra để các cấp công đoàn thực hiện là “Tổ chức thông tin đối ngoại, nhất là sản phẩm truyền thông về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; kết quả quan hệ quốc tế”.

Thực hiện Chương trình 01 và nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực; thông tin hai chiều và ngày càng chủ động, là cầu nối để các tổ chức công đoàn quốc tế và đối tác quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động về vai trò của thông tin đối ngoại, tăng cường hiểu biết về đoàn viên, người lao động và nhân dân các nước, gắn với việc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Ở chiều ngược lại, thông tin đối ngoại là cầu nối truyền tải những mô hình hay, kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thế giới góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng phát triển của cán bộ công đoàn, đoàn viên; kết nối Công đoàn Việt Nam với quốc tế, đồng thời góp phần huy động nguồn lực để đổi mới tổ chức và hoạt động; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó được thể hiện qua một số kết quả nổi bật như sau:

Các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của các cấp công đoàn cơ bản bám sát và phản ánh khá đầy đủ về phong trào công nhân, viên chức, lao động; tình hình đoàn viên công đoàn và các hoạt động nổi bật, chủ trương lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước; truyền thống lịch sử của giai cấp công nhân và giá trị bền vững của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hành trình 94 năm xây dựng và phát triển. Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam duy trì chuyên mục “Hoạt động đối ngoại”, “Lao động năm châu”, phiên bản tiếng Anh… nhằm cung cấp thông tin sơ lược cho bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.

Hơn 20 nghìn tài khoản mạng xã hội (facebook), hàng chục nghìn tài khoản zalo do các cấp công đoàn đăng ký lập đã lan tỏa thông tin, tăng hiệu ứng tuyên truyền cho các bài viết trên báo chí chính thống

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam thông qua các ấn phẩm thông tin đối ngoại: Tổng Liên đoàn triển khai chương trình phối hợp công tác với các cơ quan báo chí có chuyên trang tiếng nước ngoài như Tạp chí Thời đại, báo Quốc tế, Thông tấn xã Việt Nam… để thực hiện các tuyến bài tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Chia sẻ, cung cấp thông tin thông qua các hoạt động đối ngoại: Tổng Liên đoàn chú trọng chia sẻ, cung cấp thông tin thông qua công tác tổ chức đoàn ra, đoàn vào. Hàng năm, căn cứ Kế hoạch công tác đối ngoại và yêu cầu thực tế, phát sinh, Tổng Liên đoàn tổ chức các đoàn công tác nước ngoài và đón các đoàn khách quốc tế vào thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan của nước sở tại, các đoàn công tác của Tổng Liên đoàn đã tận dụng có hội để cung cấp và chia sẻ thông tin về hoạt động công đoàn, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam và thu hút sự quan tâm của các công đoàn quốc tế và đối tác quốc tế.

Theo sát thông tin dư luận trong và ngoài nước, kịp thời cung cấp thông tin và chủ động định hướng dư luận về các vấn đề liên quan đến lao động được người dân, lao động trong nước và cộng đồng quốc tế quan tâm: Sự chống phá trên bình diện thông tin đối ngoại diễn ra thường xuyên và liên tục, với sự cấu kết chặt chẽ của các thành phần thù địch, cơ hội trong và ngoài nước. Trên không gian mạng, một số cá nhân và hãng truyền thông nước ngoài, vì mục tiêu chính trị hoặc vốn mang nặng định kiến, thiếu thiện chí với tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tập trung đăng tải các bài viết, video sử dụng những ngôn từ kích động lòng thù hằn dân tộc, khoét sâu vào những vấn đề còn tồn tại hoạt động công đoàn, các đối tác quan trọng, núp dưới cái bóng của những “nhà dân chủ, trí thức, học giả, người dân yêu nước chân chính” để “phê phán, chỉ ra” những “khuyết điểm, sai lầm” trong đường lối của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua công tác rà soát thông tin, Tổng Liên đoàn đã phối hợp các lực lượng kịp thời phản bác các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, kích động dư luận của các thế lực thù địch trong các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam; phối hợp xử lý một số cá nhân sử dụng nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để thông tin sai lệch về tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, công tác thông tin đối ngoại còn gặp một số những khó khăn nhất định như: Phương thức tuyên truyền, quảng bá và chia sẻ thông tin tuy đã được quan tâm, chú trọng và cải tiến, nhưng nội dung, số lượng và chất lượng thông tin được cung cấp, chia sẻ chưa phong phú, đa dạng. Việc sử dụng tiếng nước ngoài trong các hoạt động thông tin đối ngoại còn chưa phổ biến, do đó làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động thông tin đối ngoại đã thực hiện…

Thời gian tới, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định phương châm triển khai công tác thông tin đối ngoại tại Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là: “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình. Để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp công đoàn cần tập trung:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, xây dựng kế hoạch triển khai công tác thông tin đối ngoại gắn với chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028” và kế hoạch tuyên truyền hàng năm. Trong đó, chú trọng chọn lọc thông tin tuyên truyền về những mô hình hay, kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thế giới để nghiên cứu, học hỏi, áp dụng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Ba là, đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức thuyết phục của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại. Quan tâm đầu tư cho các cơ quan báo chí công đoàn, Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam xây dựng và tổ chức thông tin trên chuyên trang tiếng nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam thông qua các ấn phẩm thông tin đối ngoại. Tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện về Công đoàn Việt Nam (infographic, video…) bằng nhiều ngôn ngữ.

Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức Công đoàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc tại các cơ chế đa phương mà công đoàn là thành viên; chú trọng công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các luồng thông tin dư luận trong và ngoài nước để phục vụ công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại./.

Ngọc Tú – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam


Bài viết liên quan