bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc tại các CĐCS

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp bé phát triển thể chất và trí não, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng được nhu cầu của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là trí não; Sữa mẹ giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn, phòng ngừa được các chứng bệnh nhiễm khuẩn nhất là bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Doanh nghiệp có từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc nhằm đảm bảo quyền lợi lao động nữ, giúp lao động nữ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến CNVCLĐ nhất là CNVCLĐ trẻ, nữ  CNVCLĐ về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của việc nuôi con bằng sữa mẹ; nên cho con bú sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu cho đến 2 tuổi; sữa mẹ giúp giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con, tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc nuôi con bằng sữa công thức. Liên đoàn Lao động tỉnh BR-VT triển khai đến các cấp công đoàn, CNVCLĐ hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Theo đó, các CĐCS phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Tại Điều 76 qui định “Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa”. Điều 80, Khoản 5, quy định, “Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”. Khoản 6, quy định “Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động”.

Triển khai, hướng dẫn các CĐCS phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động thực hiện Quyết định số 5175/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 09/11/2021 về việc phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai Phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc” nhằm giúp lao động nữ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa tại nơi làm việc như: Đối với các doanh nghiệp, số lượng phòng vắt, trữ sữa cần xây dựng dựa theo số lượng lao động nữ. Đơn vị có dưới 100 lao động nữ thì phải có tối thiểu 1 phòng vắt, trữ sữa mẹ và tối thiểu 4 phòng đối với nơi làm việc có từ 1.000 lao động nữ trở lên; Cần tham vấn ý kiến lao động nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cán bộ công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp, đồng thời, tất cả lao động nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ; Phòng vắt sữa có thể được cải tạo từ những vị trí như một phần phòng y tế, một phần không gian không sử dụng của văn phòng, nhà kho được cải tạo thoáng khí hoặc sửa lại các phòng không được sử dụng; Ngoài ra, các tiêu chí của phòng vắt, trữ sữa mẹ được chia theo hai mức cơ bản và đầy đủ bao gồm: lắp đặt tại nơi sạch sẽ, vệ sinh, dễ tiếp cận, cách nơi làm việc không quá 10 phút đi bộ. Phòng vắt trữ sữa có biển tên, được che chắn đảm bảo tính riêng tư và kín đáo, có các thiết bị cơ bản như quạt, đèn, bàn ghế, tủ lạnh. Các đơn vị bố trí thời gian cho lao động nữ nghỉ luân phiên để vắt sữa sao cho không ảnh hưởng đến việc sản xuất. Bố trí phù hợp với công suất sử dụng của phòng vắt, trữ sữa mẹ, tránh quá tải, phù hợp với nhu cầu sinh học của lao động nữ trong việc vắt sữa.

(Đính kèm Quyết định số 5175/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 09/11/2021 về việc phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai Phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc)

Hoàng Hải


Bài viết liên quan