bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Cán bộ công đoàn: Người của công chúng

Kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (CĐVN); người làm công tác CĐ có dịp ôn lại những kỷ niệm vui, buồn trong quảng đời tất bật, bận rộn. Tôi chợt nhớ hai câu nói của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh BR-VT Châu Văn Thắng: ” Năm nào cán bộ CĐ cũng đều đặn đến chúc mừng kỷ niệm ngày thành lập của các tổ chức chính trị- xã hội, các ngành, nghề … Khi đến ngày thành lập tổ chức CĐ, chúng ta lại dành thời gian đi thăm hỏi đoàn viên, người lao động”-“Có bao nhiêu cơ quan, ban ngành ở địa phương, thì tổ chức CĐ có chừng đó công việc phải tham gia, phối hợp…”. Có thể do nhiệm vụ và mối quan hệ đa chiều như vậy, nên cán bộ CĐ trở thành người của công chúng?

Đến với nghề CĐ, mỗi người ở một hoàn cảnh khác nhau. Với tôi, từ một công nhân kỷ thuật ngành nông nghiệp, 3 năm là chủ tịch CĐ cơ sở, gần 2 năm công tác tại LĐLĐ huyện Côn Đảo và 25 năm làm việc tại LĐLĐ tỉnh BR-VT. Chừng ấy không phải là thời gian dài, nhưng cũng đủ để trưởng thành và trải nghiệm, gắn bó với nghề CĐ.

Dưới góc độ và phạm vi cán bộ chuyên trách qua một số Ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh, tôi cho rằng làm CĐ không phải dễ nhưng cũng không phải là quá khó. Nói dễ vì thực tiễn từ các vị lãnh đạo Tổng LĐVN cho đến chủ tịch CĐCS đều do đoàn viên người lao động (NLĐ) bầu cử, hầu hết họ không phải được đào tạo từ trường lớp CĐ chính quy, chỉ cần họ “có tâm, có tầm” có đạo đức cách mạng và được đoàn viên NLĐ tín nhiệm. Là khó, bỡi vì, thực tế cán bộ CĐ phải thi hành nhiều nhiệm vụ của tổ chức CĐ, của hệ thống chính trị địa phương; tham gia, phối hợp với nhiều sở, ban, ngành, đơn vị; tiếp cận với nhiều đối tượng trong những phòng làm việc trang nghiêm, cho đến những NLĐ trong nhà máy, tại công trình …giữa nắng trưa, có lúc mưa lạnh và cả đêm tối. Với mỗi công việc, đối tượng tiếp cận có đặc điểm, trình độ, nhận thức, tình huống khác nhau; đòi hỏi cán bộ CĐ phải tự tìm tòi học hỏi, sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống và cả lòng dũng cảm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Có thể nói không quá, cán bộ CĐ phải hiểu biết và hành động đa năng với nhiều lĩnh vực có liên quan. Những năm 90, một vụ đình công của nhân viên khách sạn công ty Seabreeze Holding Vũng Tàu do bất đồng thái độ cư xử của vị Tổng giám đốc người nước ngoài, chúng tôi phải nghiên cứu Luật đầu tư nước ngoài và Bộ Luật Lao động để bảo vệ có hiệu quả quyền lợi cho NLĐ; Tôi lại nhớ đến vụ giải quyết tranh chấp quyền và lợi ích giữa nghiệp đoàn nhiếp ảnh Vũng Tàu và nghiệp đoàn Bách hóa Tổng hợp Bà Tô Xuyên Mộc, cán bộ CĐ phải nghiên cứu chính sách thuế để giải quyết ổn thỏa với cơ quan quản lý nhà nước địa phương về thuế và bến bãi cho NLĐ; Sự việc giàn khoan tàu Hải dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên phần biển chủ quyền của Việt Nam ngày 01/5/2014, một số phần tử kích động lôi kéo công nhân các khu công nghiệp tỉnh BR-VT, cán bộ CĐ đã hòa vào dòng người quá khích trên các nẽo đường và thâm nhập vào nhà máy, xí nghiệp để vận động thuyết phục công nhân tham gia bảo vệ cán bộ quản lý người nước ngoài, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp và giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội.

Vào nghề CĐ mới biết sự gian truân. Những năm 1993-1998, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh yêu cầu chúng tôi phải: ”Nói được, viết được và làm được”. Yêu cầu đầu tiên là phải nắm vững và tuyên truyền Luật lao động, Luật CĐ đến NLĐ; phải hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ CĐ; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; viết được tin bài để tuyên truyền trên báo chí …Đầu năm 1999, LĐLĐ tỉnh bắt đầu phát hành Bản tin CĐ số đầu tiên. Chúng tôi lại tự đi tìm học công tác biên tập báo chí… Từ năm 2013, nhiều lớp cán bộ CĐ tự bỏ chi phí học ngoại ngữ, tin học, cao học … để phấn đấu đạt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trước cơn bão cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vậy là năm tháng trôi qua, không biết tự lúc nào, cán bộ CĐ chúng tôi đã làm một phần việc của luật sư, nhà tuyên truyền, nghề báo, cán bộ thanh tra, kiểm tra, nhà tổ chức, một người hoạt động xã hội…

Thành công, thất bại và buồn vui đều có cả, nhiều cán bộ CĐ đời sống hết sức khó khăn; hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, nhưng điểm chung trong mỗi cán bộ CĐ đều nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề và luôn học hỏi, để hoàn thành nhiệm vụ vì tổ chức vì NLĐ. Thật vậy, nhiệt tình và tâm huyết vẫn chưa đủ; chúng tôi phải tự học, tự rèn; những buổi tập huấn nghiệp vụ do chuyên gia Tổng LĐLĐ Việt Nam truyền đạt; những lời chỉ dẫn tận tình của lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và sự giúp đỡ quý báu của đồng nghiệp, các Luật sư, phóng viên Báo Lao động, Tạp chí CĐVN, cơ quan Báo đài địa phương… Nhờ vậy, chúng tôi từng bước được nâng tầm kiến thức, kỹ năng hoạt động và chuyên nghiệp.

Năm nay, 90 năm thành lập CĐVN; người làm công tác CĐ tự hào vì đã sản sinh ra đội ngũ cán bộ CĐ có trí tuệ, bản lĩnh, ngày càng chuyên nghiệp; cơ sở vật chất của hệ thống CĐ đã và đang được mở rộng nâng cấp theo hướng hiện đại, sẳn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập. Đây là dịp để tôn vinh, ghi nhớ công lao của nhiều thế hệ cán bộ CĐ tiền bố; những cán bộ CĐ đang công tác đã có nhiều công lao, bằng tâm huyết, trí tuệ và cả sự hy sinh cho sự trưởng thành lớn mạnh của tổ chức CĐ. Nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn đã có chủ tương tôn vinh, khen thưởng những thủ lĩnh CĐ cơ sở, NLĐ giỏi, lao động sáng tạo. Thiết nghĩ, nên chăng cần có thêm hình thức tôn vinh, khen thưởng những cán bộ CĐ tiêu biểu cấp trên cơ sở, cấp tỉnh, cấp Tổng Liên đoàn có nhiều sáng tạo, có nhiều cống hiến xuất sắc nhằm kịp thời động viên, nhân rộng điển hình và tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới trong hệ thống CĐ.

Thời gian lùi dần, mỗi chặng đường đi qua, tổ chức CĐ lại ghi đậm thêm những trang sử hào hùng; người làm công tác CĐ tích hợp thêm nhiều kỷ niệm đẹp và cả những khát vọng vươn tới tương lai. Thời khắc này, tôi và có lẽ các bạn bè đồng nghiệp sẽ nẫy sinh nhiều cung bậc cảm xúc với công tác CĐ. Có lúc, tôi tự hỏi mình: Làm cán bộ CĐ có phải là một nghề? Những năm 90, Báo lao động mở diễn đàn về “Cán bộ CĐ có phải là một nghề”. Từ đó có nhiều ý kiến khác nhau, và chưa có một nghiên cứu, hội thảo nào của các chuyên gia để nói cán CĐ là một cái nghề, tầm ảnh hưởng của họ trong xã hội như thế nào. Song, điều chắc chắn, là cán bộ CĐ phải tham gia giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và NLĐ; kiên định với mục tiêu góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tập hợp NLĐ vào tổ chức để tuyên truyền, vận động họ sống và làm việc theo pháp luật. Thực tiễn phong trào công nhân và CĐ đã chứng minh: nhiều thế hệ cán bộ CĐ đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó chính là những chất liệu quý báu tạo nên phẩm chất, nét đẹp, hình ảnh đặc trưng của cán bộ CĐ trong mắt NLĐ và trong hệ thống chính trị-xã hội.

Có bao giờ gặp một người chào bạn (trên đường phố, hay một nơi công cộng) mà bạn không biết người đó là ai! Tôi cũng như bạn, có thể họ đã biết tên bạn, khi nhiều năm qua bạn đã từng đến thăm hỏi gia đình có công cách mạng, NLĐ, đồng bào nghèo, người khuyết tật, da cam, tặng nhà mái ấm CĐ, nhà tình thương, tặng học bổng cho thiếu nhi… Hoặc lúc bạn đứng trước hàng trăm công nhân để giải quyết tranh chấp lao động, tuyên truyền pháp luật; phát triển đoàn viên; tổ chức hội diễn, hội thao, hội thi; tập huấn nghiệp vụ CĐ… Họ đã từng biết bạn ? Đơn giản thôi, chỉ vì bạn là cán bộ CĐ, là người của công chúng trong xã hội./.

Nguyễn Hữu Thuận,

Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh BR-VT

(Ảnh: Thanh Bình)


Bài viết liên quan