bn1
bn2
bn3
bn4
bn5
Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tháng Ba yêu thương và chia sẻ (phần 1)

Tháng Ba không chỉ có một ngày tràn ngập hoa hồng, những lời yêu thương của các đấng mày râu dành tặng cho phụ nữ vào ngày kỷ niệm mà tháng Ba còn nhắc nhớ đến tinh thần, ý chí đấu tranh của nữ công nhân lao động trên toàn thế giới vì dân chủ, hoà bình và tiến bộ; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Tháng Ba trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta quan tâm và chia sẻ với những người xung quanh và những hoàn cảnh khó khăn bằng những hành động, việc làm thiết thực.

Phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em (nguồn Internet)

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Nhiều người trong chúng ta khi nghĩ về tháng Ba sẽ nhớ ngay đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày mà các đấng mày râu thường tặng hoa, quà…hay có những hành động ý nghĩa để thể hiện tình cảm với những người phụ nữ yêu thương xung quanh họ hơn là quan tâm đến nguồn gốc và ý nghĩa cuộc đấu tranh của nữ công nhân lao động trên toàn thế giới để đòi quyền dân chủ trong việc làm, vì sự tiến bộ của xã hội. Ngày mà cách đây hơn hai thế kỷ, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, với nền kỹ nghệ phát triển đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp với cường độ cao nhưng chỉ được giới chủ trả lương rẻ mạt và chịu sự áp bức tàn bạo. Nhằm đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn, vào ngày 8/3/1857, tại thành phố New York các công nhân nữ ngành dệt may tại hai thành phố Chicago và New York (của nước Mỹ) đã tổ chức cuộc đấu tranh. Đến tháng 3 năm 1859, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi khi nơi này tổ chức thành lập Công đoàn.

Sau sự kiện 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York vào ngày 8 tháng 3 năm 1908 đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909.

Cho đến 8 tháng 3 năm 1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ – do bà Clara Zetkin người Đức làm Chủ tịch, đã yêu cầu Hội nghị quyết định chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới, với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó, ngày 8 tháng 3 hàng năm trở thành ngày phụ nữ lao động toàn thế giới ôn lại truyền thống, biểu dương tinh thần, ý chí đấu tranh của nữ công nhân lao động trên toàn thế giới vì dân chủ, hoà bình và tiến bộ; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ở Việt Nam ngày 8 tháng 3 cũng là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đã tập hợp lực lượng khởi binh đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bằc, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là bản hùng ca thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc, là minh chứng cho vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bảo Bình


Bài viết liên quan